Vi rút EV 71 cũng có tại Việt Nam

(Dân trí) - Vi rút gây tử vong cho 21 trẻ tại thành phố Phụ Dương (An Huy, Trung Quốc) cũng là loại vi rút đã, đang lưu hành tại Việt Nam. Đây là một trong những loại vi rút gây bệnh tay-chân-miệng tại TPHCM.

Chiều 5/5, bác sĩ Cấn Phú Nhuận, trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: "Không loại trừ khả năng vi rút này đã biến đổi về độc lực mới gây hậu quả nặng nề khiến 21 trẻ ở Trung Quốc tử vong.

Tại Việt Nam, đặc biệt là TPHCM, đây là một trong những loại vi rút gây bệnh tay-chân-miệng. Căn bệnh này do nhiều loại vi rút đường ruột gây nên, trong đó có Entero 71 (vi rút EV71) nhưng ít gặp.

Bệnh chủ yếu do vi rút Cocsackie gây nên. BS Nhuận cho biết, nếu mắc vi rút Cocsackie, bệnh nhân sẽ tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày mà không cần điều trị và hầu như không có biến chứng gì. Nhưng nếu hội chứng chân tay miệng do EV 71 ở thể nặng thì rất nguy hiểm.

Vì loại vi rút này gây bệnh tay-chân-miệng nặng nhất với các biểu hiện sốt cao trên 37 độ C, nổi mụn đỏ ở chân, tay, miệng và biến chứng nặng nhất là sốt li bì, viêm màng não, hoặc hiếm gặp hơn là biến chứng viêm não, liệt mềm dạng bại liệt, có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh lây qua đường phân, do vậy, rất dễ lây lan qua ăn uống nếu khâu vệ sinh kém, phân không được xử lý. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em lứa tuổi mẫu giáo. Trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng có biểu hiện viêm họng hoặc má xung huyết kèm theo sốt nhẹ kéo dài trong hai, ba ngày. Khám họng, lòng bàn tay, lòng bàn chân sẽ thấy xuất hiện nhiều nốt chấm đỏ nhỏ li ti. Vài ngày sau biến thành bọng nước màu trắng đục và lở loét, kèm theo sốt cao, ỉa chảy nhiều. Ngoài ra, phụ nữ nhiễm bệnh trong khi mang thai có thể truyền vi rút này cho trẻ sơ sinh khiến thai nhi bị rối loạn chức năng và tử vong.

Trong khi đó, khống chế loại vi rút EV 71 rất khó do bệnh dễ lây lan và chưa có vắc xin phòng bệnh. Tại Việt Nam, khí hậu nóng ẩm là kiện thuận lợi cho vi rút phát triển. Vì thế, biện pháp phòng tránh bệnh tốt nhất lúc này là vệ sinh môi trường, ăn uống phải sạch sẽ, tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi thấy trẻ nhỏ xuất hiện những nốt ban đỏ nhỏ ở lòng bàn chân, tay phải cho nghỉ học để tránh lan rộng và đưa đi khám ở cơ sở y tế gần nhất.

Hồng Hải