Vào làng nghề đông dược, "sực nức" mùi lưu huỳnh

(Dân trí) - Hầu hết các hộ kinh doanh, cung cấp thuốc đông y tại làng Ninh Hiệp - Gia Lâm, Hà Nội đều sử dụng “công nghệ” bảo quản thuốc bắc bằng lưu huỳnh (còn gọi là diêm sinh).

“Xông” thuốc giữa đường làng

Không hề giấu diếm, giữa tấp nập xe cộ vào ra, người đi lại, các hộ dân kinh doanh thuốc bắc làng Ninh Hiệp,nơi cung cấp chủ yếu nguồn dược liệu đông y cho thị trường Hà Nội, thản nhiên “xông” thuốc đông y bằng lưu huỳnh ngay giữa đường làng. Những “ụ” thuốc xông lưu huỳnh được đặt lùm lùm ngay mỗi lối đi, tỏa mùi ngai ngái, hăng hắc rất khó chịu.
Vào làng nghề đông dược, "sực nức" mùi lưu huỳnh - 1
Những "ụ" đông dược đang được xông lưu huỳnh ngang nhiên giữa đường làng, lối đi (Ảnh: Nhị Sinh)

Lạ với người ngoài nhưng với những người dân sinh sống ở đây thì đó là việc thường ngày, diễn ra từ rất lâu bởi “xông” lưu huỳnh là biện pháp duy nhất để họ bảo vệ thuốc khỏi mối mọt, nấm mốc. Vì dù được phơi khô đến mấy, việc bảo quản tự nhiên đông dược vẫn rất khó do môi trường không khí nóng ẩm, rất dễ bị ẩm mốc.

Chị H, một người làm tại hiệu thuốc đông y (xóm 8, Ninh Hiệp) cho biết, lưu huỳnh phổ biến vì là phương pháp bảo quản dược liệu dễ và rẻ nhất. Ở cửa hàng, có những đợt ông chủ nhập tới hàng tạ lưu huỳnh.
 
Vào làng nghề đông dược, "sực nức" mùi lưu huỳnh - 2
Chuẩn bị cho việc xông đông dược, lưu huỳnh được người làm bốc bằng tay không, (Ảnh: Nhị Sinh)

Còn theo ông Thái, chủ một cơ sở kinh doanh ở xóm 7, nguồn dược liệu của làng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, về đến nơi được rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô rồi đến công đoạn cuối cùng là xông diêm sinh để bảo quản.

Cách xông sinh cũng rất đơn giản, sau khi định lượng số dược liệu sẽ tính tỉ lệ lưu huỳnh, cho lưu huỳnh vào bát. Sau đó, dùng cót quây tròn, buộc bạt xung quanh và đặt chiếc bát vào giữa, châm lưu huỳnh cho cháy rồi úp một nơm nhỏ lên bát lưu huỳnh để lưu huỳnh cháy âm ỉ. Sau đó, người ta đặt ụ thuốc cần xông lên rồi dùng nilong phủ kín bên ngoài cho khói tỏa ra vừa phải. Thời gian xông diễn ra trong khoảng 5-6 tiếng, rồi dược liệu được tãi rộng, khi khói bay đi hết sẽ cho vào túi nilông, khỏi lo nấm mốc.

Hoạt động xông lưu huỳnh bảo quản đông dược của các hộ kinh doanh ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân nơi đây. Bà Thuỷ ở xóm 8 bức xúc: “Rõ biết là phải làm nghề nhưng phải quy hoạch thế nào, chứ vậy thì khổ dân chúng tôi quá. Đường làng trở thành nơi xông những ụ thuốc bắc to tướng khiến ai cũng phải bịt mũi đi nhanh. Người lớn còn thấy khó chịu, huống hồ là trẻ nhỏ. Các hộ này chỉ nên xông thuốc ở phạm vi khuôn khổ gia đình, xưởng của mình chứ không nên lấn ra lối đi, rồi ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt chung của người dân”.

Ông Nguyễn Bá Khánh (Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp) cho biết: "Hiện cả làng Ninh Hiệp có trên 250 hộ làm nghề bào chế thuốc đông y. Do đặc thù cơ sở bào chế nằm trong khu dân cư, thôn xóm nên việc làm này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt chung người dân".

Đông dược xông lưu huỳnh có độc?

Về vấn đề “xông” lưu huỳnh bảo quản thuốc, ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y, BV TƯ Quân đội 108 cho biết, không riêng gì Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, người ta đều dùng lưu huỳnh để bảo quản dược liệu với hàm lượng trong mức cho phép. Ngoài ra, lưu huỳnh cũng được sử dụng như một phụ gia thực phẩm với tác dụng tẩy màu trong công nghệ sản xuất rượu, nước ép trái cây, các hoa quả khô…

“Còn trong y học cổ truyền, lưu huỳnh là một vị thuốc có vị chua, tính ấm, có độc, thường được dùng bôi ngoài để chữa các bệnh ngoài da như ghẻ, nấm, chàm, ung nhọt…; dùng đường uống trong để chữa các bệnh như liệt dương, lãnh tinh, lãnh tiết, tiện bí… Vì là vị thuốc có độc nên lưu huỳnh phải được bào chế đúng cách, sử dụng hết sức thận trọng, đúng chỉ định và liều lượng”, ThS Toàn nói.

Cũng theo ThS Toàn, trong bào chế đông dược từ ngàn xưa đến nay, xông lưu huỳnh là một biện pháp chủ yếu để phòng chống mốc, tạo màu sáng đẹp cho dược liệu. Điều đáng nói ở đây là vì lợi nhuận, nhiều người đã lạm dụng lưu huỳnh khiến cho không ít loại dược liệu có dư lượng chất này vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Như ở Trung Quốc, theo một nghiên cứu gần đây, bạch thược (một trong những vị thuốc thường dùng) chứa hàm lượng lưu huỳnh gấp 16 lần tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, nhiều vị thuốc khác như xuyên khung, kỷ tử, ngọc trúc, cát căn, cúc hoa, đương quy, hoài sơn, thiên môn… cũng có dư lượng lưu huỳnh khá cao.

“Chỉ vì chạy theo lợi nhuận, làm sao để có sản phẩm dược liệu sáng đẹp và lâu không bị mốc, nhiều gian thương đã lợi dụng việc xông lưu huỳnh với hàm lượng quá cao mà không cần biết đến tác hại của nó đối với người tiêu dùng. Khi dị ứng với lưu huỳnh ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể có các biểu hiện như đau đầu, khó thở, ngạt mũi… Còn dị ứng ở mức độ nặng có thể gây tử vong, nhất là ở những người mắc bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…”, ThS Toàn cảnh báo.

“Chúng ta không nên nghĩ tới lưu huỳnh có độc rồi quay lưng lại với đông dược. Bởi lẽ, không phải bất cứ dược liệu nào cũng phải xông lưu huỳnh và nếu có xông mà đảm bảo đúng theo quy trình và liều lượng thì sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.Vì thế, người dân không nên vì những thông tin về hàm lượng lưu huỳnh quá cao trong dược liệu do một vài cơ sở gian thương bào chế mà có quan điểm sai lệch về dược học cổ truyền. Khi sử dụng, tốt nhất người bệnh nên đến kê đơn, bắt mạch và mua dược liệu đã bào chế ở các cơ sở uy tín, có đầy đủ tư cách pháp nhân, giấy phép hành nghề và được kiểm nghiệm thường xuyên, tuyệt đối không nên mua dược liệu đã bào chế trôi nổi trên thị trường”, ThS Toàn khuyến cáo.

Hồng Hải - Nhị Sinh