Uống thuốc đúng chỉ dẫn: “Mẹo” cho người hay quên

(Dân trí) - Không phải vô cớ mà bác sĩ luôn dặn kỹ thuốc nào uống trước, sau bữa ăn… cho người bệnh. Đó là vì những chỉ dẫn này liên quan trực tiếp đến sự hấp thu của thuốc và hơn thế là để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc.

Uống thuốc đúng chỉ dẫn: “Mẹo” cho người hay quên - 1
Theo BS Tấn, với nhiều loại thuốc nhỏ mắt như thế này, người bệnh nên phân biệt thuốc bằng màu sắc sẽ rất hiệu quả

Với những đơn kê nhiều loại thuốc, giờ uống khác nhau chắc hẳn sẽ khiến nhiều người “loạn” mắt khi soi đơn. Không ít bệnh nhân đã phải nhập viện điều trị do uống thuốc sai chỉ dẫn, đặc biệt là với các loại thuốc chữa viêm khớp, vốn rất “nhạy” với những người có tiền sử đau bao tử.

Theo các chuyên gia, mua đúng thuốc bác sĩ kê là điều kiện cần nhưng nếu thiếu điều kiện đủ là dùng đúng cách thì sẽ có hại. Vì thế, bệnh nhân phải tuân theo chỉ dẫn uống thuốc của bác sĩ.

Nhưng làm thế nào để nhớ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn không đơn giản. Theo ThS.BS Đỗ Tấn, khoa Glôcôm, bệnh viện Mắt TƯ cho biết: "Có tới 13-60% bệnh nhân glôcôm không tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc, trong đó, yếu tố quên tra thuốc, nhầm lẫn các loại thuốc, tra không đúng cách là nguyên nhân khá phổ biến".

Vậy nên, bên cạnh việc bác sĩ để ý kê đơn thuốc ít nhất có thể (số lượng, số lần nhỏ) và ghi hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân thì người bệnh nên có “mẹo” nhớ uống thuốc đúng giờ, đúng chỉ dẫn.

Đối với những bệnh nhân bị bệnh ở mắt, được kê nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau, người bệnh có thể dùng màu sắc để xác định loại thuốc cần dùng bằng cách lấy giấy có ghi chữ cỡ to, dán ở những vị trí dễ nhìn thấy. Ví như cách bà Tạ Thị Hiền ở Phúc La, Hà Đông (bị thiên đầu thống đã 3 năm nay) đã làm để nhớ thời điểm nhỏ thuốc là dựa vào chính màu sắc của hộp thuốc. Ngoài ra, bà nhờ con đánh máy cỡ chữ rất to, như thuốc nắp vàng nhỏ lúc 9h sáng, thuốc nắp hồng nhỏ 4h chiều…  và bà đã tự mình nhắc nhở thành công trong việc tra nhỏ thuốc mắt đúng giờ, đúng chỉ dẫn.

Còn ông Lưu ở Thụy Khuê bị trào ngược thực quản - dạ dày nên luôn phải uống tới 5 loại thuốc. Thời gian đầu ông cũng quay cuồng với việc nhớ uống thuốc theo từng loại. Mỗi lần “soi” đơn là ông hoa mắt, chóng mặt nhưng đến hôm sau, mọi việc đâu lại hoàn đó. Cuối cùng, ông nghĩ ra cách “chia” làm 5 hộp, mỗi hộp đựng một loại thuốc. Bên ngoài dán giấy ghi cụ thể cách uống trong ngày. “Như vậy, với một đơn thuốc mới, tôi chỉ mất thời gian soi đơn lần đầu tiên, xếp từng loại vào các hộp và ghi lại rõ theo chỉ dẫn. Để các hộp này ở ngay bàn làm việc, nhìn vào hướng dẫn dán bên ngoài là nhớ ngay, đỡ mất thời gian và cũng đỡ bị nhầm lẫn thuốc”, ông Lưu nói.

Ngoài cách ghi nhớ trên, BS Tấn cũng khuyên mọi người nên gắn liền thời điểm nhỏ thuốc/uống thuốc với các hoạt động thường ngày như khi ngủ dậy, bữa ăn, đi ngủ. Thuốc cần dùng 2 lần cách nhau 12 tiếng, thì cũng có thể ghi rõ trên giấy (sau khi xem kỹ đơn) rồi dán ở những nơi dễ nhìn thấy. Như thuốc A uống lúc 8h sáng và 8h tối, thuốc B uống sau ăn no bữa trưa… Hoặc cũng có thể ghi nhớ giờ uống thuốc bằng cách lưu báo thức điện thoại, nhờ con cháu nhắc nhở…

Hồng Hải