Uống... thừa vắc xin!

Bắt đầu từ tháng 9/2006, chương trình tiêm chủng mở rộng đã tổ chức cho các bé vào lớp 1 tiêm vắc xin ngừa sởi tại trường nhằm hoàn thành mục tiêu loại trừ bệnh sởi ở VN vào năm 2010.Thế nhưng, đang có nhiều chuyên gia lo ngại việc tùy tiện cho các bé tiêm và uống thừa vắc xin.

Chị Nguyễn Thị Phương, y tá tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết các bé sinh năm 2000 (được tiêm ngừa tại trường khi vào lớp 1 năm 2006) đã được tiêm ngừa sởi hai lần. Lần 1 khi các bé 9 tháng tuổi, lần 2 là trong chiến dịch tiêm sởi mũi hai do Chính phủ Nhật Bản viện trợ năm 2003. Như vậy cũng đã là thừa vì phòng sởi chỉ cần tiêm một mũi, trong khi chúng ta tiếp tục chiến dịch tiêm mũi ba cho các bé.

 

Không chỉ có vắc xin sởi, trước đây để thực hiện loại trừ bệnh bại liệt, các em bé cũng đã được uống theo “chiến dịch” vắc xin ngừa bại liệt Polio. Chị N.X.M., y tá tại một bệnh viện, cho biết qua trao đổi với các bác sĩ nước ngoài, họ rất ngạc nhiên khi thấy VN cho uống thừa vắc xin.

 

Theo họ, vắc xin không phải là bánh kẹo nên không có khái niệm “dự phòng thừa” mà chỉ nên tiêm, uống đủ liều. Qua tìm hiểu, chị M. nói lý do cần cho các bé uống dư vì vắc xin bại liệt Polio rất khó bảo quản (yêu cầu nhiệt độ dưới 0oC), trong khi “dây chuyền lạnh” vận chuyển vắc xin đi các tuyến phần lớn dùng hòm lạnh, phích lạnh, nhiệt độ luôn trên 0oC, khả năng hư hỏng vắc xin cao nên cần “dự phòng” thêm cho chắc!

 

Với vắc xin sởi cũng vậy. Do chỉ được sử dụng vắc xin trong 2 giờ sau pha, nên nhiều khi nhân viên y tế các điểm tiêm không chú ý giám sát từng mẻ vắc xin pha thời điểm nào. Nếu các bé đến tiêm ngừa đông, tập trung mới có thể đảm bảo sử dụng trong 2 giờ sau pha vắc xin, còn ở vùng sâu, vùng xa là rất khó giám sát. Vì vậy mỗi năm vẫn có hàng ngàn người nhiễm sởi ở các tỉnh vùng sâu và để dự phòng, trẻ em cả nước đều được tham gia... chiến dịch vắc xin.

 

Lẽ ra chỉ cần xem sổ tiêm phòng và giám sát chặt chẽ dịch vụ tiêm chủng, các bé đã được tiêm (uống) đủ liều sẽ không cần tham gia chiến dịch. Kể cả khi uống thừa vắc xin là vô hại thì nó cũng gây tốn kém ngân sách, lãng phí tiền viện trợ. Hỏi cơ quan chức năng dây chuyền vận chuyển, bảo quản của chúng ta thế nào, ai cũng nói rằng tốt, được đầu tư rất nhiều. Nhưng hình như chúng ta chưa tự tin vào mình, vẫn luôn trong tâm trạng “chưa chắc”? Như vậy rõ ràng dịch vụ tiêm chủng có vấn đề, chưa kể Bộ Y tế chưa hề có qui định trong chế tài, xử phạt các địa phương có dịch dù đã tổ chức tiêm phòng.

 

Quả là còn nhiều việc phải làm.

 

Theo Lan Anh

Tuổi trẻ