Ứng dụng phát hiện sớm vi rút HIV, viêm gan B, C giai đoạn cửa sổ

(Dân trí) - Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã ứng dụng một kỹ thuật mới giúp phát hiện, sàng lọc các vi rút nguy hiểm như vi rút viêm gan B, C, HIV ngay từ giai đoạn mà xét nghiệm thông thường hiện nay không phát hiện ra.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, NAT là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất, cho phép phát hiện sớm hơn sự hiện diện của các vi rút nguy hiểm trên trong máu từ giai đoạn cửa sổ, góp phần đảm bảo an toàn truyền máu.


GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, kỹ thuật NAT cho phép phát hiện sớm vi rút từ giai đoạn cửa sổ so với xét nghiệm huyết thanh học thông thường. Ảnh: H.Hải

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, kỹ thuật NAT cho phép phát hiện sớm vi rút từ giai đoạn cửa sổ so với xét nghiệm huyết thanh học thông thường. Ảnh: H.Hải

Kết quả xét nghiệm sàng lọc trong 10 năm triển khai (từ 1998 - 2008) tại 37 quốc gia ở các châu lục, sàng lọc HCV và HIV với khoảng 300 triệu túi máu, HBV (trên 100 triệu túi máu) đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp nhiễm tác nhân gây bệnh bằng kỹ thuật NAT, mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện được (khoảng 0,003%).

BS Chuyên khoa II Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay, trong năm 2015 Viện đã tiếp nhận 1.160.726 đơn vị máu toàn phần và khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến máu. Qua xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật Huyết thanh học đã phát hiện 32.866 mẫu có nhiễm HBV, HCV, HIV, giang mai, sốt rét,… tương ứng với tỷ lệ HBV 4,4%, HCV 0,58% và HIV 0,11%.

Sau khi tiến hành xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT phát hiện 417.893 đơn vị máu (chiếm 36,0% tổng số máu tiếp nhận) giúp phát hiện thêm được 442 mẫu máu nhiễm bệnh mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện.

BS Dương giải thích, sự “không phát hiện” này là vì các bệnh lý trên đang ở giai đoạn cửa sổ, khi mà tải lượng vi rút còn quá thấp, kỹ thuật xét nghiệm thông thường không phát hiện ra. Nhưng với kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử NAT được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc các vi rút này cho độ chính xác, độ nhạy cao, đặc biệt là rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các bệnh vi rút.

Thời gian cửa sổ phát hiện các vi rút HIV, viêm gan B, C được rút ngắn. Ảnh: H.Hải
Thời gian cửa sổ phát hiện các vi rút HIV, viêm gan B, C được rút ngắn. Ảnh: H.Hải

Và kỹ thuật NAT phát hiện trực tiếp sự hiện diện của vi rút thông qua nhân bản đoạn gen đặc hiệu của vi rút (dù lúc này trong máu lượng vi rút còn khá thấp do mới nhiễm) tăng lên nhiều lần và sau đó xác định chính xác vi rút đã nhiễm, cho kết quả có độ nhạy cao.

Từ đó, so sánh với sàng lọc huyết thanh, kỹ thuật NAT giúp rút ngắn giai đoạn cửa sổ đáng kể. Cụ thể với vi rút viêm gan C kỹ thuật huyết thanh học phát hiện từ trên 85 ngày kể từ thời điểm nhiễm vi rút, thì với NAT ở ngày 23 đã phát hiện (rút ngắn được 60 ngày). Tương tự, vi rút viêm gan B sàng lọc huyết thanh phát hiện từ giai đoạn nhiễm trên 60 ngày, với NAT phát hiện từ ngày 34 (rút ngắn được 25 ngày). Với HIV sàng học huyết thanh 21 ngày, thì NAT còn 10 ngay (rút ngắn 10 ngày).

Theo GS Trí, trong giai đoạn cửa sổ, việc không phát hiện được các vi rút nguy hiểm này bằng xét nghiệm thông thường, dẫn đến nguy cơ bỏ sót, máu sẽ không an toàn khi truyền cho người bệnh.

Kỹ thuật NAT là giải pháp bổ sung ngăn chặn nguy cơ lây truyền bệnh, phát hiện sớm trong giai đoạn cửa sổ. Viện Huyết học – Truyền máu là đơn vị đầu tiên trong cả nước chính thức cung cấp tất cả các đơn vị máu, chế phẩm máu đều được sàng lọc bằng NAT.

Tiếp đến, xét nghiệm này sẽ được cung cấp tại các trung tâm truyền máu của BV Truyền máu – Huyết học TP Hồ Chí Minh, BV Chợ Rẫy, BV Huyết học – Truyền máu Cần Thơ. Mục tiêu đến năm 2018 kỹ thuật NAT sẽ được xét nghiệm cho tất cả các đơn vị hiến máu trên toàn quốc, nhằm đảm bảo việc cung ứng nguồn máu an toàn cho người dân.

Hồng Hải