Tuyệt chiêu từ lá cây

Trong làng hay trong vườn thường có rất nhiều loại lá với những dược tính vô cùng sáng giá nhưng thường không được chú ý

Có lẽ vì thấy lá là thứ đơn giản, tốt lắm cũng chỉ dùng cho mục đích ẩm thực hoặc bị “cái bóng” quá lớn là trái của chúng che phủ, nên nhiều người vô tình bỏ quên một cách lãng phí.

Hãy tận dụng lá ớt

Lá ớt rất giàu các hóa chất thực vật (phytochemcials) và phenolic acid.  Các chất này có tính kháng ôxy hóa rất cao. Các hợp chất phenolic acid có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm huyết áp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Lá ớt có thể nấu canh với tôm, thịt giúp bồi bổ cơ thể, có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy lá ớt có khả năng làm giảm lượng cholesterol “xấu” trong cơ thể, hạn chế sự tăng trưởng của các loại vi khuẩn do ô nhiễm thức ăn và bảo vệ màng dạ dày trong trường hợp bị nhiễm vi trùng H. Pylori. Do lá ớt có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin C và tiền vitamin A nên có khả năng làm chậm sự lão hóa mắt. Canh nấu từ lá ớt có vị cay nhẹ, hơi đắng nhưng rất dễ bị... thiếu cơm (vì ăn hoài mà không thấy chán!).

Lá ớt có thể dùng trong những trường hợp đau nhức. Dùng vài lá ớt, chọn lá có kích thước lớn cho vào chảo, thêm chút dầu ô liu và đảo đều. Khi dầu vừa ấm thì vớt lá ra, dùng đắp vào chỗ sưng đau như khớp, cơ…

Lá cà ri nhiều công dụng

Cà ri (curry) là món có lẽ không ai không biết nhưng công dụng của nó thì ít người hiểu hết. Lá cà ri có tác dụng kích thích tiêu hóa, cải thiện các men tiêu hóa. Ngoài ra, lá cà ri còn được dùng để trị chứng ói mửa, buồn nôn.

Để trị chứng buồn nôn và ói mửa, dùng lá cà ri băm nhuyễn, cho nước sôi vào để nguội rồi uống hoặc có thể nhai và nuốt lá. Để cải thiện tiêu hóa và trị chứng ợ nóng, băm nhuyễn lá cà ri; dùng một muỗng cà phê lá cà ri băm nhuyễn bỏ vào một ly nước lạnh, cho thêm một muỗng cà phê mật ong và một muỗng cà phê nước cốt chanh rồi uống.

Lá cà ri còn có tác dụng giảm cân và hạ  cholesterol “xấu”. Mỗi bữa ăn nên dùng kèm theo 8 đến 10 lá cà ri.

Giảm ho nhờ lá me

Lá me, củ gừng và nước cốt chanh chứa nhiều loại tinh dầu quý, giúp làm dịu và ấm đường hô hấp, có thể trị những cơn ho do cảm mạo (còn những cơn ho do lao, ho gà, viêm phổi thì phải dùng thuốc đặc trị).

Lá me giúp làm dịu ấm đường hô hấp, có thể trị những cơn ho do cảm mạo Ảnh: TẤN THẠNH
Lá me giúp làm dịu ấm đường hô hấp, có thể trị những cơn ho do cảm mạo Ảnh: TẤN THẠNH

Lấy khoảng 3 nắm lá me tươi, rửa sạch cho vào nồi; xắt lát mỏng một củ gừng rồi trải đều những lát gừng mỏng trên lá me, cho vào 2 ly nước. Đun lửa liu riu trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước trong nồi còn lại khoảng 1 ly, dùng vải sạch lọc lấy nước, cho vào khoảng nửa ly đường rồi tiếp tục đun sôi cho đến khi dịch có thể chất xirô. Lấy 5 trái chanh vắt nước, bỏ hột cho vào xirô và khuấy đều. Để trị ho, người lớn uống mỗi ngày 4 lần, mỗi lần một muỗng canh. Trẻ em cũng uống 4 lần/ngày nhưng mỗi lần chỉ một muỗng cà phê. Xirô này cần được bảo quản trong tủ lạnh.

Lá dứa được dùng rộng rãi

Xin đừng nhầm tên lá dứa với lá thơm hay lá khóm (vì có nơi gọi khóm, thơm là dứa). Đây là loại lá có mùi thơm mà bà con ở nông thôn dùng để pha trà hoặc làm bánh.

Dòng họ của lá dứa có tới 600 loài nhưng loại thông dụng nhất ở Đông Nam Á là Pandanus amaryllifolius. Lá dứa chứa nhiều tinh dầu, glycosides, alkaloid nên có rất nhiều công dụng trong y học, được dùng rộng rãi và cách sử dụng cũng rất đơn giản:

- Yếu dây thần kinh: Dùng 3 lá dứa rửa sạch và cắt nhỏ, nấu với 3 ly nước cho đến khi còn lại khoảng 2 chén. Uống 1 chén vào buổi sáng và 1 chén vào buổi trưa.

- Bệnh thấp khớp: Đun nóng khoảng nửa chén dầu dừa ở lửa thấp. Khi dầu dừa nóng, lấy chảo ra khỏi bếp và bỏ khoảng 3 lá dứa (đã rửa sạch, cắt mỏng) vào dầu dừa còn đang nóng. Khuấy đều cho đến khi nguội rồi dùng để thoa vào những vùng sưng đau khớp.

- Trị gàu: Dùng 7 lá dứa rửa sạch rồi đâm nhuyễn, thêm vào nửa chén nước và khuấy đều, vắt nước cốt và lọc. Dùng nước lọc thoa vào da đầu, để khô, sau 1 giờ thoa thêm một lần nữa, sau đó gội đầu bằng nước sạch. Làm mỗi ngày như vậy cho đến khi sạch gàu.

Một đặc điểm rất hay của lá dứa là có thể dùng để đuổi gián. Nếu không muốn dùng các sản phẩm diệt gián thương mại vốn có nhiều hóa chất độc hại, ta có thể dùng lá dứa. Cắt khúc lá dứa khoảng 5 cm bỏ vào rổ rồi đặt ở nhà bếp hoặc những nơi gián thường lai vãng. Khi lá dứa hết mùi thơm thì thay lá khác.

Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường

Người lao động