Trục trặc "chu kỳ" có cần phải điều trị?

Trong số những "trục trặc" liên quan đến chị em phụ nữ, thì chu kỳ kinh nguyệt (CKKN) không đều, thất thường khiến nhiều chị em lo lắng!

Giai đoạn dậy thì

 

Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TPHCM) cho biết thêm, CKKN "lộn xộn" nhất là ở giai đoạn lứa tuổi dậy thì và xung quanh thời điểm tiền mãn kinh! Ở tuổi dậy thì, CKKN lộn xộn là do chu kỳ phóng noãn không đều đặn.

 

"Từ giai đoạn bắt đầu dậy thì cho đến 18, 20 tuổi, thì CKKN thường chưa ổn định, không đều, đây là sự rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì, có khi 2 - 3 tháng mới có một lần, hoặc có tháng có đến 2, 3 lần! Đây là hiện tượng sinh lý, không cần điều trị, can thiệp gì, trừ khi tình trạng rong huyết kéo dài liên tục thì cần đi khám, kiểm tra. Ngoài ra, cũng cần lưu ý ở trường hợp mất kinh là do có thai”, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TPHCM) giải thích.

 

CKKN từ 21 - 35 ngày được xem là bình thường, thời gian hành kinh thông thường từ 2 - 6 ngày, lượng máu mất đi mỗi lần hành kinh là từ 20ml - 60ml.

 

Trong lúc hành kinh thường bị cơn đau bụng hành hạ, ngoài việc uống thuốc giảm đau, còn có thể xử trí bằng chườm nóng ở vùng bụng, nghỉ ngơi, làm việc nhẹ. Cần lưu ý, trong lúc hành kinh, cơ quan sinh dục của người phụ nữ xung huyết, cổ tử cung hở, vì thế không nên ngâm mình trong nước, hay tắm ở hồ bơi công cộng, cũng như quan hệ tình dục, vì sẽ rất dễ bị viêm nhiễm. 

Trong độ tuổi dậy thì, khoảng 70% trường hợp rối loạn kinh nguyệt là do không phóng noãn, nội tiết không đồng đều. CKKN bất thường xảy ra ở lứa tuổi này, nếu không có biểu hiện thiếu máu, suy nhược thì chỉ cần theo dõi. Tuy nhiên, cũng cần kiểm tra, siêu âm xem có bị bất thường ở bộ phận sinh dục hay không, nếu có nghi ngờ.

 

Tuổi sinh đẻ

 

Còn ở giai đoạn tuổi sinh đẻ thì nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt phức tạp hơn. Có người trong 1 tháng có hai lần kinh, trường hợp này hay gặp là do rụng trứng gây xuất huyết, vì có sự rối loạn nội tiết tố của cơ thể. Cũng có người kinh thưa 2, 3 tháng mới có một lần, thậm chí có người trong 1 năm chỉ có hai lần. Những trường hợp này là không bình thường, thường là do các bệnh lý như: đa nang buồng trứng, suy yếu buồng trứng - suy yếu buồng trứng thường xảy ra ở tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, nhưng cũng có thể xảy ra sớm ở lứa tuổi 30... Những trường hợp CKKN bất thường do các bệnh lý gây nên, thì cần phải khám, chữa trị các bệnh lý đó.

 

Có những người bị vô kinh II (vô kinh thứ phát), biểu hiện là, trước đó CKKN của họ bình thường, nhưng về sau bị mất kinh hơn 3 tháng. Trường hợp này có thể là do ảnh hưởng của những thủ thuật trước đó gây ra như nạo phá thai; cắt đốt polyp ở lòng tử cung... gây ra dính lòng tử cung. Vô kinh thứ phát còn có thể xảy ra ở người bị stress, sau một chấn động tâm lý mạnh, làm tác động lên hệ thần kinh trung ương; có người sau sinh bị băng huyết quá nhiều làm liệt hệ thần kinh phía trên cũng có thể gây vô kinh. Nhiều người sau đó CKKN mất hẳn luôn".

 

Ngoài ra, tình trạng rối loạn kinh nguyệt còn có thể là do dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp, gây rong kinh, rong huyết, bởi tác động của nội tiết tố gây nên.

 

Giai đoàn tiền mãn kinh

 

Còn xung quanh lứa tuổi tiền mãn kinh, đây là thời điểm "khó chịu". Vì thời điểm này ngoài việc người phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt bởi thiếu hụt nội tiết tố; do buồng trứng suy yếu, lão hóa, không tiết ra được estrogene và progestine làm rối loạn nội tiết dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, thì còn có thể do nhiều bệnh lý liên quan như: ung thư cổ tử cung; ung thư thân tử cung; ung thư buồng trứng; u xơ tử cung... gây chảy máu, rong huyết, thì cần phải được khám, chữa trị những bệnh lý này.

 

Theo Thanh Tùng

Thanh niên