Trên 3 ngàn bệnh nhân cúm ở 48 tỉnh thành

(Dân trí) - Tính đến chiều 3/9, dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam đã lan rộng đến 48 tỉnh, thành với 3.201 trường hợp mắc. Trong đó, 1.473 bệnh nhân đã xuất viện, 2 trường hợp tử vong, còn lại đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện.

Riêng trong ngày 3/9/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 180 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (khu vực phía Nam: 135 ca, khu vực miền Bắc: 14 ca, khu vực miền Trung: 23 ca, khu vực Tây Nguyên: 08 ca).
 
Trên 3 ngàn bệnh nhân cúm ở 48 tỉnh thành - 1
Cán bộ y tế Trung tâm Y tế quận Hà Đông phát tờ rơi cách phát hiện, phòng ngừa cúm A/H1N1 cho người dân khu đô thị mới Văn Quán (Ảnh: H.Hải)

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, trong số 48/63 tỉnh, thành ghi nhận bệnh nhân cúm A/H1N1, thì có 20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam với gần 2.000 ca nhiễm cúm. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có số bệnh nhân “đỉnh” nhất, với gần 1.300 trường hợp.

Còn tại 15 tỉnh thành miền Bắc ghi nhận bệnh nhân cúm, Hà Nội là nơi có bệnh nhân đông nhất. Tính đến hết ngày 31/8, Hà Nội ghi nhận 268 trường hợp nhiễm cúm. Tại 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên có bệnh nhân cúm, thì tập trung đông nhất tại tỉnh Đắc Nông. Còn 10 tỉnh khu vực miền Trung có Trung với hơn 300 ca nhiễm cúm, tập trung đông nhất ở Khánh Hoà với khoảng 1/2 số bệnh nhân.

Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lây lan mạnh và có nguy cơ bùng phát trong mùa đông, thứ trưởng Trịnh Quân Huấn yêu cầu các đơn vị điều trị cần hết sức cẩn trọng khi dùng Tamiflu cho bệnh nhân. Ông cũng tiếp tục cảnh báo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng vi rút khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
 
“Nếu trong bối cảnh số bệnh nhân tiếp tục tăng, mùa đông lại tới gần, con số bệnh nhân có thể tăng gấp 2-3 lần như hiện nay mà xảy ra tình trạng kháng Tamiflu thì rất nguy hiểm. Ở thời điểm này, tại Việt Nam và các nước trên thế giới, Tamiflu vẫn được sử dụng là một “vũ khí” chính, hiệu quả nhất trong điều trị cúm A/H1N1”, ông Huấn nhấn mạnh.
 
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi.
 

Lâm Đồng: 28 trường học có ca nhiễm cúm A/H1N1

 

Trên 3 ngàn bệnh nhân cúm ở 48 tỉnh thành - 2

Tại các trường học, rất hiếm học sinh đeo khẩu trang

Cho đến chiều 3/9, tình hình lây lan dịch cúm trong trường học của toàn tỉnh Lâm Đồng vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong vài ngày tới. Hiện toàn tỉnh đã có 28 trường học với 91 ca nhiễm trong toàn ngành.

 

Cho đến hôm nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 8/12 huyện, thị của tỉnh có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Đặc biệt tại thị xã Bảo Lộc, dịch đã lây lan nhanh một cách “chóng mặt” với 18 trường học với 58 học sinh bị nhiễm. Với diễn biến cực kỳ phức tạp tại các địa phương, Sở Y Tế đã cảnh báo dịch đã bước vào giai đoạn lây lan mạnh trong cộng đồng, đặc biệt là các trường học.

 

Nguyên nhân dẫn đến sự lây lan nhanh chóng trong các trường học là do công tác tuyên truyền và phòng chống trong hệ thống các trường học còn nhiều hạn chế, yếu kém khiến học sinh, phụ huynh chưa quan tâm đến nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời sự phối hợp với các BGH trường học với Y tế địa phương thiếu linh hoạt, chặt chẽ…khiến mầm bệnh có thời gian lây lan. Hiện toàn tỉnh có 141 ca nhiễm cúm A/H1N1.

           

Số lượng học sinh đến trường đeo khẩu trang phòng cúm chỉ đếm trên đầu ngón tay. (ảnh chụp sáng 3/9 tại trường tiểu học Nguyễn Trãi, TP Đà Lạt) (ảnh: Hà Huy Vũ)

 

Thanh Hóa: Cúm A/H1N1 tấn công trường học

 

Trước đó, từ ngày 29/8, tại trường THCS Quang Trung (P. Ba Đình - TP. Thanh Hóa), có hơn 30 học sinh tại 3 lớp bị ốm, sốt nhẹ, ho, đau họng. Trung tâm Y tế dự phòng TP. Thanh Hóa đã tiến hành lấy mẫu máu, kết quả xét nghiệm cho thấy có 2/ 7 học sinh dương tính với cúm A/H1N1.

 

Ngày 2/9, Trung tâm y tế dự phòng TP. Thanh Hóa đã tiến hành xử lý môi trường bằng cách phun thuôc khử trùng trong và xung quanh khu vực trường THCS Quang Trung. 

 

Ngay sau đó, Trung tâm y tế dự phòng Thanh Hóa cũng đã điều động thêm cán bộ xuống túc trực, theo dõi diễn biến của dịch cúm tại trường THCS Quang Trung. Phía nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn 3 phòng cách ly đặc biệt ngay trong trường để dự phòng khi có tình huống đột xuất xảy ra.

 

Thầy giáo Tào Ngọc Thanh, Hiểu trưởng trường THCS Quang Trung cho biết, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã lên phương án mua khẩu trang cho học sinh và giáo viên để tổ chức khai giảng năm học mới theo đúng lịch trong trường hợp dịch không có hiện tượng bùng phát. 

  

 
Hồng Hải - Hà Huy Vũ - Duy Tuyên