Trẻ viêm mũi dị ứng: Khó trị!

Menthol, camphor có tác dụng kích ứng đường hô hấp trẻ sơ sinh. Khi trẻ hít phải các chất này sẽ ngưng thở do suy hô hấp.

Khi bị các triệu chứng như nhảy mũi, sổ mũi, nghẹt mũi và có thể kèm ngứa mũi, chảy nước mắt thì trẻ có thể bị viêm mũi dị ứng hoặc bị viêm xoang - ngoài nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài còn thấy nước mũi đặc màu vàng, đôi khi màu xanh.

Quá nhiều chất gây dị ứng

Viêm mũi dị ứng khó trị, thường xuyên tái phát vì liên quan đến dị ứng. Chất gây dị ứng được gọi là dị ứng nguyên vốn đầy rẫy trong môi trường. Chỉ khi loại trừ hoàn toàn dị ứng nguyên, tức trẻ không tiếp xúc với chúng nữa, thì mới mong dứt bệnh.

Mục tiêu điều trị viêm mũi dị ứng là giảm các triệu chứng xuống mức tối thiểu và lựa chọn các thuốc vừa hiệu quả vừa ít có tác dụng phụ độc hại. Có nhiều nhóm thuốc trị bệnh lý về mũi, được phân ra 2 loại: thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ (xông hoặc phun xịt vào mũi).

1. Nhóm thuốc uống:

- Nhóm thuốc uống kháng histamin trị dị ứng như clorpheniramin, loratidin, cetirizin giúp giảm triệu chứng ngứa mũi, nhảy mũi, sổ mũi, chảy nước mắt nhưng không có tác dụng đối với nghẹt mũi.

- Nhóm thuốc uống kháng sinh được dùng khi bệnh lý về mũi liên quan đến nhiễm khuẩn, cần có bác sĩ chỉ định chứ không tự ý mua sử dụng hoặc nghe lời khuyên của người không thuộc giới chuyên môn.

- Nhóm thuốc uống cường giao cảm gây co mạch chỉ dùng cho người lớn như ephedrin, pseudoephedrin, phenylephrin có tác dụng thông mũi, trị nghẹt mũi tốt.

- Nhóm thuốc uống glucocorticoid, như prednison, prednisolon, dexamethason, chỉ dùng khi bị viêm mũi xoang nặng và mạn tính. Các thuốc này cũng phải được bác sĩ chỉ định, không tự ý sử dụng bừa bãi.

2. Nhóm thuốc dùng tại chỗ:

- Thuốc co mạch nhỏ mũi chứa dược chất như naphtazolin, oxymetazolin… có tác dụng thông mũi tốt nhưng chỉ nên nhỏ trong thời gian 7 ngày cho người lớn. Lý do là nếu dùng lâu sẽ quen thuốc, bị hiệu ứng “dội” phải tăng liều, nếu không tăng liều thì tình trạng nghẹt mũi sẽ nặng hơn dẫn đến vòng luẩn quẩn là bị “viêm mũi do thuốc”. Đối với trẻ em, không nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này vì có thể gây choáng, tím tái (do tác dụng gây co mạch của thuốc không chỉ ở niêm mạc mũi mà toàn thân, tức co mạch ở cả tim, gan, thận). Trẻ em chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi hoặc phun xịt NaCl 0,9% giúp thông, sạch mũi.

- Thuốc glucocorticoid xịt mũi như flixonase, nasacort, becotide có hiệu quả trong trị viêm mũi dị ứng, có thể dùng lâu dài nhằm phòng ngừa bệnh này.

Xin được nhấn mạnh, thuốc nhỏ mũi mà trẻ em, nhũ nhi, phụ nữ có thai hoặc người lớn cần nhỏ thường xuyên giúp thông thoáng nên dùng là dung dịch natri clorid 0,9% (NaCl 0,9%), còn gọi là dung dịch “nước muối sinh lý”.

Trẻ con chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi hoặc phun xịt NaCl 0,9% giúp thông, sạch mũiẢnh: Hoàng Triều
Trẻ con chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi hoặc phun xịt NaCl 0,9% giúp thông, sạch mũiẢnh: Hoàng Triều

Ngộ độc dầu gió, cao xoa

Một loại thuốc dùng qua mũi đồng thời là thuốc thoa giảm đau dùng lâu đời là dầu gió, cao xoa (còn gọi là dầu cù là). Thuốc loại này được bôi lên mũi và hít hơi dầu vào để hỗ trợ trị sổ mũi, nghẹt mũi. Để có tác dụng làm thông mũi, sát trùng đường hô hấp, dầu gió hay cao xoa chứa nhiều loại tinh dầu bay hơi như: tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu chương não (camphor). Đặc biệt, một số dầu xoa còn chứa thêm methyl salicylat, tinh dầu thông…

Người lớn chỉ dùng dầu gió mà trị được nghẹt mũi, sổ mũi thì đó là điều rất tốt nhưng đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, thì phải thật cảnh giác. Không chỉ ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới đã xảy ra tình trạng dầu gió, cao xoa chứa tinh dầu bạc hà, tinh dầu chương não gây “nhiễm” dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Đã có nhiều thông tin báo cáo trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì mẹ mới sinh dùng dầu gió xức lên mũi.

Menthol, camphor có tác dụng kích ứng đường hô hấp trẻ sơ sinh. Khi trẻ hít phải các chất này sẽ ngưng thở do suy hô hấp. Phụ nữ cho con bú cũng tránh, không nên dùng thuốc thoa chứa methyl salicylat vì thuốc có thể dính ở đầu vú, trẻ bú sẽ nuốt phải methyl salicylat và ngộ độc.

Cần sự chỉ định của bác sĩ

Nếu trẻ bị viêm mũi dị ứng thường xuyên, phụ huynh cần đưa đến khám ở bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng. Qua thăm khám, chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp thuốc thuộc các nhóm đã đề cập trong bài viết. Riêng về thuốc xịt mũi dùng điều trị và phòng ngừa viêm mũi dị ứng, bác sĩ sẽ giúp lựa chọn loại thích hợp. Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn dùng thuốc kéo dài trong thời gian bao lâu để phát huy hiệu quả cao nhất.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức

Người lao động