Trẻ ngộ độc thuốc ho qua sữa mẹ

Tại Phòng khám Bệnh viện Nhi TƯ, chúng tôi gặp một phụ nữ trẻ bế con đến khám. Chị cho biết, con gái 8 tháng tuổi của chị thường xuyên vật vã, quấy khóc, sốt nhẹ và bỏ bú. Chị từng đưa cháu đi khám ở nhưng không tìm ra nguyên nhân.

Cho đến khi bé trở nên gầy yếu, gần như cả đêm không ngủ được, chị mới đưa bé ra Hà Nội. Giờ đây, chị thực sự ân hận vì chính chị là nguyên nhân gây nên tình trạng của bé.

 

Số là vì liên tục bị ho, chị đã thường xuyên uống một loại thuốc ho có codein. Con chị đang bú sữa mẹ đã bị ngộ độc thuốc phiện, một thành phần có trong loại thuốc mà chị vẫn uống để chữa ho.

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Tình trạng ngộ độc thuốc phiện có thể xảy ra ở trẻ đang bú mẹ do người mẹ uống các loại thuốc như sirô hoặc viên thuốc ho có chất codein, propoxyphene...; các loại thuốc đi ngoài có chất Imodium, Loperamide (Lomotil), Elexir paregorir...

 

Các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau 30 phút nếu dùng thuốc tiêm, sau 1-2 giờ nếu thuốc uống. Nếu là ngộ độc tích lũy như trường hợp con chị H., trẻ sẽ thường xuyên khó ở, khó ngủ, gầy yếu dần.

 

Ở giai đoạn kích thích, trẻ buồn nôn, vật vã, quấy khóc, sốt nhẹ, bỏ bú, thở nhanh. Giai đoạn ức chế thần kinh, trẻ li bì, hôn mê hoặc lơ mơ, rối loạn nhịp thở, hạ thân nhiệt. Ở giai đoạn ức chế hô hấp, trẻ ngừng thở, tím tái, chân tay lạnh, trụy mạch và có thể tử vong.

 

Trẻ sẽ tỉnh dần và hết rối loạn nhịp thở nếu được điều trị bằng thuốc chống morphin. Vì vậy, nếu được kịp thời đưa đến các cơ sở y tế để cấp cứu bằng biện pháp rửa dạ dày, thở oxy, truyền dịch, thuốc chống morphin... trẻ sẽ hồi phục dần.

 

Các bà mẹ trong thời gian cho con bú cần cẩn trọng khi dùng thuốc, vì một số chất trong thuốc có thể xuất hiện trong nguồn sữa mẹ, gây nguy hiểm cho trẻ.

 

Theo Hà Giang

Tiền phong

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ