Trẻ lớn tè dầm - có thể liên quan đến bệnh lý

(Dân trí) - Thưa bác sĩ, con tôi đã được 9 tuổi nhưng rất hay đái dầm vào ban đêm, đôi lúc vào ban ngày khi cháu ngủ trưa. Xin Bác sĩ cho biết có phương pháp hoặc thuốc nào trị cho cháu hết không? Nguyễn Kim Vy (2000vy@yahoo.com)

BS Trương Ngọc Dương, khoa Nhi Viện Quân Y 103 trả lời:

Đái dầm là chứng tiểu không tự chủ lúc đang ngủ, có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Hầu hết những trẻ lớn và người lớn thì việc đi tè là một hiện tượng sinh lý có kiểm soát được. Do vậy, trong lúc ngủ, trẻ có thể nhịn đái, hoặc khi quá buồn đái, hệ thần kinh sẽ “điều khiển” để trẻ dù đang ngủ say nhưng vẫn nhận thấy cảm giác muốn đi tè và dậy đi tè rồi mới ngủ tiếp.

Với trẻ em từ 1-2 tuổi trẻ tè dầm khi ngủ là bình thường, nhưng từ khi trẻ trên 2 tuổi, phải điều chỉnh dần cho trẻ. Nếu đã trên 5 tuổi mà trẻ vẫn thường xuyên tè dầm khi ngủ thì phải đưa bé đi khám, vì có thể tè dầm lúc này là dấu hiệu của bệnh lý nào đó. Còn nếu thỉnh thoảng lắm bé mới làm ướt giường một lần thì không đáng ngại, vì có thể bé đã “mơ” ngủ, cứ nghĩ mình đi tè rồi, nhưng thực ra đó chỉ là trong giấc mơ.

Trong trường hợp của con chị, cháu đã 9 tuổi mà vẫn tè dầm vào lúc ngủ, là hiện tượng không bình thường. Trẻ bị đái dầm khi ngủ do rất nhiều nguyên nhân tác động. Chẳng hạn như bạn cho con uống nhiều sữa, nước trước khi đi ngủ, không tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh trước ngủ… Bạn hãy kiểm tra lại vấn đề này, nếu con bạn tè dầm khi ngủ mà không liên quan đến nguyên nhân trên, thì hãy cho con đi khám, vì rất có thể tè dầm là dấu hiệu của bệnh lý.

Tè dầm có thể liên quan đến bệnh lý tại chỗ là hẹp bao quy đầu. Tình trạng hẹp bao quy đầu có thể gây đái dắt, hay đái dẫn tới hiện tượng đái dầm trong khi ngủ. Tè dầm ở trẻ lớn người ta cũng nghĩ tới bệnh lý viêm đường tiết niệu, các vấn đề về bàng quang, hoặc liên quan đến yếu tố thần kinh…

Trước hết, bạn có thể can thiệp bằng các biện pháp cơ học xem tình trạng tè dầm của trẻ có được cải thiện không. Ví như bạn đừng cho trẻ uống nhiều nước vào buổi tối, trước khi đi ngủ bắt con đi vệ sinh (dù ít hay nhiều), tập thói quen xi tè ban đêm mỗi khi con trở giấc… Nếu có hẹp bao quy đầu, cho con đi trích bao quy đầu. Nếu tình trạng tè dầm của bé được cải thiện nhờ những phương pháp trên, thì không cần thiết phải đưa trẻ đi khám. Còn nếu không hiệu quả, bạn hãy đưa trẻ tới bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị dứt điểm chứng tè dầm ở trẻ.

Ngoài ra, với trẻ lớn vẫn bị tè dầm, người lớn không nên trêu chọc làm trẻ xấu hổ, mặc cảm. Sự ức chế tâm lý, mặc cảm có thể càng làm tình trạng tè dầm của trẻ càng trầm trọng hơn. Do trẻ luôn có tâm lý xấu hổ, sợ đêm ngủ lại tè dầm nên lúc nào cũng lo sợ, khiến giấc ngủ càng chập chờn, không sâu giấc, đến lúc mệt quá ngủ thiếp đi…và lại bị lặp lại tình trạng tè dầm.

Hồng Hải (ghi)