Trẻ em đội MBH không đúng cách có thể gây liệt tứ chi

(Dân trí) - Đây là cảnh báo của BS Lý Ngọc Liên, chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh, BV Việt Đức tại buổi toạ đàm “MBH trước giờ G” được tổ chức hôm qua, 12/12.

MBH trẻ em làm người lớn đau đầu

 

Ngay từ những phút đầu tiên của buổi tọa đàm, các đại diện của 3 cơ quan: Uỷ ban ATGT Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường - Chất lượng, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng hướng về một chủ điểm khá gai góc: trẻ đến mấy tuổi thì phải đội MBH? Theo quy định mới, người ngồi trên xe máy sau 15/12 thì bắt buộc phải đội MBH. Nghị định 146/2007 NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ cũng khẳng định: trẻ em dưới 16 tuổi phải đội MBH chở trên xe tham gia lưu thông.

 

Về vấn đề này, bác sĩ Lý Ngọc Liên, chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Việt Đức lại đưa ra một thực tế khiến không ít người “giật mình”: trẻ em dưới 3 tuổi có xương cổ rất mềm, khi đội MBH sẽ giúp cố định cằm nhưng thân mũ lại cụp xuống. Khi gặp tai nạn có thể làm chấn thương cột sống, dẫn đến xoắn vặt cổ gây liệt tứ chi, suy hô hấp.

 

Cơ quan được trông đợi đầu tiên sẽ “gỡ” vướng mắc này là Uỷ ban ATGT Quốc gia. Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Trọng Thái, Phó chánh văn phòng Uỷ ban nêu ra một “giải pháp” mang tính tạm thời và chưa thể làm yên lòng những ai có mặt tại buổi tọa đàm: Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn về chất lượng MBH dành riêng cho đối tượng là trẻ em. Tuy nhiên, nếu trẻ em quá nhỏ tuổi thì các đơn vị chức năng cũng phải linh hoạt chứ không thể xử phạt máy móc.

 

Điều này có phần trái ngược với những tuyên bố có phần kiên quyết của một số đại diện lực lượng CSGT trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây khi khẳng định: từ sau ngày 15/12, trẻ em không đội MBH cũng sẽ bị phạt!

 

Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: cần phải có một nghiên cứu nghiêm túc về MBH cho trẻ em và cần có sự tính toán cụ thể tính đến lứa tuổi nào thì đội loại nào. “Hơn lúc nào hết các cơ quan chức năng cần có giải pháp để bảo đảm an toàn cho trẻ em dưới 3 tuổi khi tham gia giao thông, tránh tình rạng xảy ra tai nạn thì đổ lỗi do không đội MBH nhưng đội MBH thì lại có thể bị nặng hơn”, ông Phan nhấn mạnh.

 

Về các quy định an toàn khi đội MBH, bác sĩ Lý Ngọc Liên đưa ra một thực tế khác cũng gây “giật mình” không kém: 3 tháng gần đây, số bệnh nhân vào chữa trị tại khoa Phẫu thuật thần kinh do tai nạn giao thông không hề giảm. Cá biệt có những ngày, khoa này phải tiếp nhận tới hơn 20 ca chấn thương sọ não, cá biệt có ngày lên tới 30 ca. Đặc biệt, theo bác sĩ Liên, kể từ sau thời điểm 15/9, khoa phẫu thuật thần kinh đã tiếp nhận 3 - 4 trường hợp chấn thương sọ não mặc dù vẫn đội MBH, nguyên nhân của việc này là do MBH chất lượng kém và người sử dụng “quên” không cài dây!

 

Lấy của xe đạp bù cho xe máy?

 

Trong khi thị trường MBH dành cho người lớn đã sôi động từ rất lâu thì thị trường MBH trẻ em vẫn khá đìu hiu, mặc cho các bậc phụ huynh chạy đôn đáo khắp nơi tìm mua mũ để bảo vệ con mình. Theo khảo sát tại các cửa hàng bán MBH, chúng tôi thấy MBH dành cho trẻ em rơi vào tình trạng chung là nghèo nàn, đơn điệu về kích thước, kiểu dáng nhưng lại được hét với … giá trên trời.

 

Và điều đáng sợ hơn cả là các loại MBH dành cho trẻ em được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay, hầu hết chỉ chú trọng về hình thức, tạo màu sắc bắt mắt hơn là chất. 20% số MBH trên thị trường hiện nay là không đạt chất lượng. Nếu chứng minh được nguyên nhân tai nạn do MBH gây ra, người tiêu dùng có thể kiện nhà sản xuất", ông Trần Quốc Tuấn, Cục phó Cục Quản lý chất lượng hàng hóa Bộ Khoa học Công nghệ.

 

Có mặt tại cửa hàng bán MBH Protect 12B Ngọc Khánh vào buổi sáng ngày 11/12, chúng tôi chỉ trên giá chỉ còn lèo tèo vài mũ và người mua thì phải giành nhau, ôm khư khư lấy từng chiếc. Giá mỗi chiếc mũ này cao ngang bằng với một chiếc mũ dành cho người lớn: 225 nghìn đồng. Nhiều phụ huynh khi bị chậm chân, không chọn được cho con mình chiếc mũ ưng ý đã quay sang chọn lựa MBH dành để đi xe đạp vì “dù gì cũng là đồ xịn!”

 

Tại phố Huế, số lượng MBH dành cho trẻ em cũng khá nhiều, phần nhiều là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thì rất … trời ơi. Thậm chí người mua có thể nhìn thấy từng phần xốp được gắn hờ với phần nhựa, bóp mạnh tay một chút có thể làm vỡ mũ như thường. Giá mỗi chiếc mũ như thế này cũng dao động trong khoảng 80 - 190 nghìn đồng.

 

Tại các cửa hàng bán mũ trong siêu thị, các loại MBH dành cho trẻ em do Việt Nam sản xuất có giá dao động từ 100 - 220 nghìn đồng/mũ nhưng không có kích cỡ riêng. Đây cũng là tình trạng chung tại hầu khắp các cửa hàng bán MBH trên địa bàn Hà Nội. Chính điều này khiến các bậc phụ huynh rơi vào tình cảnh “rối như gà mắc tóc” vì không biết chọn loại nào cho an toàn và thích hợp trong khi thời điểm đến 15/12 chỉ đếm từng giờ.

 

Phúc Hưng - Hồng Hải