Trẻ em có thể mắc rối loạn lưỡng cực?

(Dân trí) - Xin hỏi, một bé trai 9-10 tuổi có thể có chẩn đoán chính xác là mắc chứng rối loạn lưỡng cực (bệnh Hưng cảm - Trầm cảm)?

  

Trẻ em có thể mắc rối loạn lưỡng cực? - 1

Nếu vừa trải qua 1 cú sốc, trẻ buồn vui thất thường thì cần phải đưa đi khám tâm lý

BS Charles Raison, chuyên gia tâm lý trường ĐH Y Emory (Mỹ) trả lời:

 

Câu hỏi của bạn thực sự hấp dẫn tôi bởi vì nó vừa như rất tò mò, vừa như là lời thỉnh cầu làm thế nào để chẩn đoán rối loạn lưỡng cực ở trẻ em. Tuy nhiên, chắc hẳn bạn đã nhận ra rằng đây là một lĩnh vực còn đang có nhiều tranh cãi trong mảng tâm lý học, nằm trong nhóm loạn tinh thần (DSM-V).

 

Tôi hy vọng có thể mang tới cho bạn câu trả lời thỏa đáng dù mục đích câu hỏi của bạn là gì đi chăng nữa.

 

Hãy bắt đầu với một câu hỏi rất chung chung là làm thế nào để chẩn đoán sự rối loạn lưỡng cực. Như tất cả các chẩn đoán tâm lý khác, đây là một chẩn đoán dựa trên các triệu chứng kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Không cần phải làm xét nghiệm máu hay một xét nghiệm cuối cùng nào đó để có thể đưa ra chẩn đoán.

 

Theo định nghĩa, rối loạn lưỡng cực là từng có tiền sử ít nhất 1 lần luân phiên các giai đoạn vui buồn thất thường. Sự kỳ quặc này, nói cách khác là 1 bệnh mà mọi thứ đều thái quá.

 

Người bệnh thấy phấn chấn, dễ bị kích động (cả 2 cùng diễn ra 1 lúc hay nối tiếp nhau rất nhanh) và biểu hiện chủ yếu là nói nhiều. Ngủ ít hơn, đôi khi mất ngủ. Suy nghĩ nhanh và thường cường điệu cảm xúc. Tốc độ nói thường rất nhanh. Cảm thấy cơ hội và lợi ích nhiều như cát ở biển và những nguy cơ là không đáng kể. Sự say mê nhiệt huyết thường xuyên diễn ra. Khi bệnh thực sự đến “cao trào”, người bệnh trở nên hoang tưởng và nghe thấy những âm thanh và bắt đầu tin vào những điều dị thường. Ví như một bệnh nhân cũ của tôi khi vui buồn thất thường luôn tin rằng cô ấy là trung tâm của vũ trụ và có thể thấy cả dải ngân hà đang bao quanh cô ấy.

 

Ngược lại với giai đoạn hưng cảm, người bệnh chuyển sang giai đoạn trầm cảm, khí sắc hoàn toàn trái ngược với giai đoạn hưng cảm. Lúc này khí sắc người bệnh giảm nhiều, tư duy ức chế, giảm các hoạt động tâm thần vận động. Người bệnh cảm thấy buồn vô cớ, không tìm thấy lối thoát, quá khứ và tương lai hoàn toàn ảm đạm, cảm thấy mắc tội lỗi... Trong giai đoạn này, người bệnh thường có ý định tự tử. Có người thử tự tử nhiều lần nhưng được phát hiện. Lý do họ đưa ra để đi đến cái chết rất mơ hồ, vô lý và không thể chấp nhận được.

 

Chứng bệnh này thường xuất hiện sau khi vừa trải qua một đợt trầm cảm. Điều này đặc biệt đúng đối với phụ nữ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hầu hết những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực bị rơi vào trạng thái trầm uất nhiều hơn là hưng phấn.

 

Tiêu chí để xác định rối loạn lưỡng cực là người đó phải có ít nhất 1 lần vui buồn thất thường mà không thể giải thích là do bệnh tật hay dùng loại thuốc nào đó. Ngoài ra, còn có 1 dạng hưng cảm nhẹ nhưng hiện chưa thể chẩn đoán chính xác dạng bệnh này mặc dù nó được coi là 1 dạng rối loạn tinh thần.

 

Nhân Hà

Theo CNN