Trẻ có cả bộ phận sinh dục nam và nữ

(Dân trí) - Hiện tượng trẻ có cả bộ phận sinh dục nam và nữ không phải là quá hiếm và 2 trường hợp đang điều trị tại Viện Nhi TƯ dưới đây một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc phát hiện bệnh sớm.

Thoạt nhìn, bé L.T.T, 2 tuổi (Vĩnh Phúc) giống hệt bé trai. Từ hình dáng, cử chỉ đến nét mặt không thể lẫn sang con gái được cho đến khi cháu cởi quần cho xem bộ phận ở phía dưới. Theo bà của cháu, gia đình cũng khả nghi từ lâu vì thấy bộ phận sinh dục của cháu hơi to hơn mức bình thường. Nhưng lúc đó, bà con hàng xóm bảo do cháu béo nên “cái ấy” nó cũng phải béo. “Đúng là cháu nhà tôi lớn hơn hẳn so với những đứa trẻ cùng tuổi. Lúc đó, chúng tôi cũng chỉ nghĩ là nó ăn khoẻ thì lớn thôi”, bà của bé T. tâm sự.

 

Rồi lần nữa mãi đến tận cách đây 4 tháng, gia đình bà mới quyết định đưa cháu đi khám và lúc đó mới hiểu “Cháu đặc biệt như vậy là do có cả hoóc môn nam nữa”.

 

“Bộ phận sinh dục của cháu nhìn bề ngoài là con gái nhưng phì đại hơn. Tuỳ từng trường hợp thì mức độ có thể to hoặc nhỏ. Trong bộ phận sinh dục của cháu có cả âm vật, bìu dái và hơi có lông nữa. Và âm vật được nhìn thấy nhô ra ngoài”, Bác sỹ Đỗ Hải My ở khoa Nội tiết giải thích về sự khác lạ của cháu bé này.

 

Bé N.T.M nhỏ tuổi hơn (1,5 tuổi) và nhà ở Hà Nội. Theo mẹ của cháu, do gia đình phát hiện sớm ngay từ lúc mới sinh nên cháu nhẹ hơn bạn kia. Rồi chị kể: “Ngay sau khi sinh 12 tiếng, phát hiện thấy có trường hợp bất thường của con, gia đình chị đã cho cháu đến khám tại bệnh viện này. Sau khi khám, các bác sỹ ở đây đã kê thuốc cho cháu uống và hẹn gia đình quay lại chờ ngày phẫu thuật tạo hình cho cháu”.

 

Chị cũng cho biết: Suốt từ đó đến giờ, theo đơn kê của bác sỹ, ngày nào gia đình cũng cho cháu uống thuốc. Cháu phát triển hoàn toàn bình thường như những bé gái khác, chỉ duy “chỗ ấy” có âm vật thò ra.

 

Bác sỹ Hải My cho biết cả 2 cháu này đều đang chờ để phẫu thuật. Việc phẫu thuật tạo hình cho các cháu theo giới tính nào phụ thuộc vào việc xét nghiệm nhiễm sắc thể. Nếu cho nhiễm sắc thể cho ra giới tính nào thì sẽ phẫu thuật theo giới tính đó.

 

Đối với những trẻ bị như thế này, nếu được phát hiện sớm, cho uống thuốc sớm (bắt đầu từ trước 1 tuổi) rồi phẫu thuật càng sớm càng tốt  thì khi lớn lên sẽ không vấn đề gì. Điều đặc biệt là đối với các cháu nữ thì sau khi phẫu thuật xong cùng với việc điều trị thay thế hoóc môn, các cháu vẫn có cơ hội đựơc làm mẹ.

 

Ngoài ra, còn có một cách để điều trị đơn giản hơn nhiều đó là đối với những người mẹ được chuẩn đoán trước sinh là có khả năng sinh con thuộc đối tượng này (như đã có anh/chị bị) sẽ được tư vấn uống thuốc ngay khi mang thai. Như vậy, đến khi ra đời, các cháu sẽ không phải mổ. Tuy nhiên, để chuẩn đoán ngay từ trong bụng mẹ thì không phải dễ dàng chút nào.

 

Lan Hương