Tránh trục lợi khi thông tuyến huyện khám chữa bệnh theo thẻ BHYT ra sao?

(Dân trí) - Quy định thông tuyến huyện khám chữa bệnh theo thẻ BHYT do BHXH VN ban hành cuối tháng 3 đặt ra câu hỏi là làm sao hạn chế việc trục lợi quay vòng thuốc do được khám bệnh ở nhiều nơi? tình trạng bệnh viện tư nhân xin điều chỉnh xuống cấp huyện để có nhiều bệnh nhân?


Ảnh có tính minh họa

Ảnh có tính minh họa

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN) về vấn đề này.

Thưa ông, thống kê của BHXH VN cho thấy cả nước hiện có bao nhiêu bệnh viện công lập và tư nhân thuộc tuyến huyện? Việc phân bố các bệnh viện tuyến huyện ra sao?

Cả nước hiện có khoảng hơn 850 bệnh viện công và tư nhân thuộc tuyến huyện và tương đương. Trong đó, khoảng gần 700 bệnh viện công lập, còn lại là nhóm cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Nhiều người sẽ có câu hỏi liệu có thiếu bệnh viện tuyến huyện hoặc sự phân bố không đồng đều? Trên thực tế với khoảng 700 huyện trên cả nước, đều được bao phủ ít nhất 1 bệnh viện/huyện.

Thậm chí, những huyện lớn có diện tích rộng còn có thêm 1 bệnh viện đa khoa khu vực. Chưa kể xen kẽ các bệnh viện tư nhân và phòng khám tư nhân.

Do vậy không thể có tình trạng thiếu bệnh viện cấp huyện theo sự phân bố theo phạm vi địa lý. Nếu chăng thiếu thì chỉ có thể là bệnh viện đầu ngành, hạng 2 hoặc chuyên khoa.

Quy định thông tuyến huyện trên toàn quốc trong việc khám chữa bệnh mở ra nhiều cơ hội cho người dân. Nhưng làm sao tránh được tình trạng đối tượng vì lợi nhuận trục lợi thuốc chữa bệnh vì được khám 1 bệnh tại nhiều nơi, thưa ông?

Vấn đề này đã được BHXH VN lưu ý từ khi xây dựng chính sách. Ngay từ năm 2015, BHXH đã triển khai thí điểm chương trình phần mềm vi tính quản lý lịch sử khám bệnh của bệnh nhân.

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN)
Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN)

Chương trình phần mềm vi tính này này giúp các bệnh viện trong hệ thống khám chữa bệnh BHYT nắm được lịch sử khám chữa bệnh của người dân, đảm bảo đúng ý nghĩa của việc đi khám là phục vụ nhu cầu khám thực sự. Đồng thời phát hiện tình trạng lợi dụng việc khám nhiều nơi nhằm trục lợi.

Theo đó, mỗi khi bệnh nhân đến khám bệnh, nhân viên y tế sẽ đối chiếu thẻ trong hệ thống phần mềm để kiểm tra việc khám bệnh của bệnh nhân trong thời gian nhất định. Việc này sẽ phát hiện tình trạng người bệnh có thể đi khám tại nhiều bệnh viên cấp huyện ở nhiều nơi với 1 bệnh nhằm mục đích quay vòng thuốc khám bệnh.

Riêng tại TP.HCM, nơi có đông người tham gia thẻ BHYT, cơ quan BHXH địa phương đã áp dụng có một hệ thống phần mềm riêng để hạn chế tình trạng trục lợi từ ngày 1/1/2016.

Được biết cuối năm 2015 và đầu năm 2016, một số bệnh viện tư nhân đã xin đăng ký chuyển xuống hạng 3 - tương đương với cấp huyện nhằm mục đích đón đầu chính sách thông tuyến, thu hút nhiều bệnh nhân khám theo diện BHYT. Vậy để minh bạch quy định phân tuyến cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bệnh viện, BHXH VN đã có phương án gì?

Năm 2015 đã xảy ra tình trạng một số bệnh viện tư nhân phấn đấu lên hạng 2 - tương đương tuyến tỉnh - để có thể được nhận một số ưu đãi về cơ chế giá liên quan tới phân tuyến bệnh viện.

Sang năm 2016, khi có những thông tin về thông tuyến cấp huyện trong toàn quốc về khám chữa bệnh BHYT, một số bệnh viện tư nhân lại xin xuống từ hạng 2 xuống hạng 3 (tương đương tuyến huyện) để đón chờ chính sách mới. Đương nhiên, việc xuống hạng sẽ giúp những bệnh viện này có thêm nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT tới đăng ký khám.

Để tránh tình trạng trục lợi này, BHXH VN đã yêu cầu cơ quan BHXH các tỉnh rà soát nguyên nhân của việc xin xuống hạng của các cơ sở y tế nói chung và cơ sở y tế tư nhân nói riêng.

Nếu việc xuống hạng là do khách quan, cơ quan BHXH vẫn xem xét việc ký tiếp hợp đồng ủy quyền khám chữa bệnh theo thẻ BHYT với các bệnh viện tư nhân. Nếu việc xuống hạng do nguyên nhân sự cố tình nhằm trục lợi, cơ quan BHXH tỉnh xem xét lại việc có ký tiếp hợp đồng hay không.

Xin cảm ơn ông

Ngày 21/3, BHXH VN đã ban hành Công văn số 943/BHXH - CSYT nhằm giải quyết một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách BHYT. Theo đó, người bệnh có thẻ BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở các bệnh viện tuyến quận/huyện trong phạm vi cả nước. Trường hợp người dân có thẻ BHYT đã khám bệnh theo tuyến trên từ 1/1/2016 tới ngày 21/3 vẫn sẽ được cơ quan BHXH cấp tỉnh, thành thanh toán 100 % khi phí.

Hoàng Mạnh thực hiện