Trang thiết bị y tế nội chưa được đầu tư đúng mức

(Dân trí) - Phần lớn các trang thiết bị y tế hiện đại đều phải nhập khẩu. Tuy nhiên, một số sản phẩm do Việt Nam sản xuất đã được nghiệm thu, chứng tỏ có hiệu quả, chất lượng nhưng cũng khó vươn rộng ra thị trường vì các bệnh viện không mặn mà với đồ nội.

Hàng nội tốt vẫn khó có chỗ đứng

Tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 năm triển khai thực hiện chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế và 3 năm triển khai đề án nghiên cứu, chế tạo, sản xuất trang thiết bị y tế diễn ra ngày 10 - 11/3 tại Hà Nội, Kỹ sư Nguyễn Xuân Bình, chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt nam nhận định, bức tranh về tình hình sản xuất trang thiết bị y tế trong nước chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, hiện nay, các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực trang thiết bị y tế còn quá ít và nghèo nàn, phạm vi hạn hẹp, quy chế thử lâm sàng phức tạp và quá tốn kém. Đáng nói, một số sản phẩm ít ỏi được nghiên cứu, sản xuất thành công, có giấy phép lưu hành nhưng khó tìm nơi bán, mặc dù các sản phẩm này, ở tất cả các cơ sở y tế đều thiếu trầm trọng.

Ông Bình đưa ra một ví dụ điển hình, đó là câu chuyện về bàn mổ thuỷ lực. Được nghiệm thu bởi các chuyên gia ngoại đầu ngành, là một sản phẩm tốt, hiệu quả không thua kém hàng ngoại nhập, mang tính đặc thù, bệnh viện nào cũng cần. Vì thế, khi kết quả nghiệm thu đề tài nghiên cứu sản xuất bàn mổ thuỷ lực được đánh giá tốt, nhiều người đã vui mừng vì Việt Nam có thể tự túc được một trang thiết bị y tế quan trọng, cần thiết ở mỗi bệnh viện, trong khi đó, giá thành chỉ bằng 1/3 so với giá nhập ngoại.

Tuy nhiên, theo ông Bình, từ ngày được nghiệm thu thành công đến nay, ngoài năm ba chiếc sản xuất lúc đầu với chất lượng được đánh giá tốt, thì hiện bàn mổ thủy lực khó có thể vươn rộng ra thị trường. Dù Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất hàng trăm chiếc bàn mổ thuỷ lực nhưng việc sản xuất tiếp không thể được tiến hành, do ngành y tế ở các địa phương vẫn mua hàng trăm bàn mổ nhập ngoại. Kết cục, bàn mổ thuỷ lực VN chỉ dừng lại ở mức độ đề tài và dần đi vào dĩ vãng.

“Trước nghịch lý này, các cán bộ, kỹ sư ngành trang thiết bị có khả năng, muốn nghiên cứu chế tạo bàn mổ thuỷ lực điện và điện tử như các nước trên thế giới nhưng lại rất e ngại. Sợ rằng có nghiên cứu thành công, số phận nó cũng sẽ như bàn mổ thủy lực”, kỹ sư Bình nói.

Ngoài ra, phải kể đến thiết bị y tế dao mổ điện. Đây cũng là một sản phẩm đã được nghiên cứu, chế tạo trong nước thành công, chất lượng tốt nhưng đến nay cũng chỉ tiêu thụ được vài trăm chiếc.

Cạnh tranh với hàng ngoại như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay phần lớn các trang thiết bị y tế hiện đại như máy X-quang các loại, hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT- scanner, máy điện tim và nhiều thiết bị y tế khác như máy thở, máy gây mê, siêu âm…đều phải nhập khẩu. Các sản phẩm trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đơn thuần là những trang thiết bị thông dụng, công nghệ thấp như thiết bị nội thất BV, vật tư y tế tiêu hao…

Theo bà Tiến, có nhiều khó khăn, như về vốn, đất đai, thuế, nhân lực… là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất  trang thiết bị y tế trong nước khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, Việt Nam mới tự sản xuất, cung ứng được những trang thiết bị thông dụng.

Đặc biệt là về nguồn nhân lực, do không có nhân lực nên không tập trung được để nghiên cứu sản xuất, cũng không thể chuyển giao được công nghệ hiện đại, cũng như việc bảo hành, bảo dưỡng các trang thiết bị hiện đại nhập từ nước ngoài.

Theo bà Tiến, việc các sản phẩm trang thiết bị y tế có cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại hay không phụ thuộc vào các yếu tố: một là nhà sản xuất phải sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; hai là các nhà sử dụng là các BV cần khuyến khích sử dụng; và thứ 3 là đối với nhà quản lý, khi đã có danh mục trang thiết bị đã được đầu tư sản xuất, kiểm chuẩn  thì phải giới thiệu các dự án đầu tư trong nước, tạo hành lang pháp lý để các sản phẩm trong nước có thể tiếp cận được người sử dụng. Đặc biệt để thúc đẩy sự phát triển sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, cần có sự tham gia tích cực không chỉ riêng Bộ Y tế mà đòi hỏi phải có sự tham gia của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, cũng như các đơn vị sử dụng trang thiết bị…

Ngoài ra, Bộ Y tế đã tích cực triển khai các hoạt động như: Nghiên cứu chế tạo dưa ra danh mục máy móc nào mà có thể đầu tư ưu tiên nghiên cứu chế tạo trong nước, sau đó sẽ  sản xuất hàng loạt (nếu đáp ứng được yêu cầu). Về mặt sản xuất, ngành y tế sẽ có phân loại những loại nào ưu tiên có thể sản xuất 100% nội địa, như bông bằng, bơm kim tiêm dùng một lần,  inox nội thất trong bệnh viện…

Đồng thời, Bộ Y tế cũng kiến nghị phải có chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn, đất đối với những loại sản phẩm lắp ráp nhập linh kiện. Sắp tới, Bộ Y tế và Công thương sẽ ra danh mục các linh kiện lắp ráp trang thiết bị y tế, để phía hải quan có những ưu đãi về thuế nhập khẩu. Hiện nay, thuế đối với máy móc nhập khẩu là 0% nhưng thuế đối với linh kiện nhập khẩu để lắp ráp trang thiết bị lên đến 20%.

“Cùng với những việc trên, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo trong việc phát triển hệ thống mạng lưới đào tạo về nguồn nhân lực về kỹ thuật trang thiết bị y tế. Chỉ đạo đưa ra các nội dung cơ bản về quản lý, kỹ thuật công nghệ, kỹ năng sử dụng trang thiết bị y tế vào chương trình đào tạo, mở rộng và nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật”, TS Tiến khẳng định.

Hồng Hải