Trả lại một hình hài

Có mặt tại phòng mổ, phóng viên Nguyễn Thạnh đã chứng kiến giây phút khó quên trong ca phẫu thuật tách 2 tay thừa trên cơ thể bé trai có 4 tay Nguyễn Trọng Luyền (sinh ngày 3/9/2011, ngụ tại xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành - Tây Ninh).

 Vỡ “kịch bản”

 

Từ sáng sớm, mọi thứ cần thiết trong phòng mổ đã được chuẩn bị. Bé Luyền được đặt nằm ngửa, kê cao bên trái, gây mê đặt nội khí quản. Là người ngoại đạo, tôi đứng bên góc phòng cố gắng  quan sát. Ê kíp phẫu thuật gồm 15 bác sĩ, y tá thuộc nhiều chuyên khoa do tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, đứng đầu đã vào vị trí.

 

Đúng 10h, bác sĩ Định đi đường dao đầu tiên. Chiếc dao bé xíu nhưng sắc nhọn đến lạ thường. Nhìn lớp da thịt đỏ hỏn đang lành lặn của bé Luyền bỗng toét banh ra, tôi lạnh cả người. Hàng chục đôi mắt tập trung cao độ. Tiếng kêu bim bíp của máy trợ tim, máy thở càng khiến không khí trở nên đầy khẩn trương.
 

 

Trả lại một hình hài - 1

Các bác sĩ tập trung cao độ khi phẫu thuật cho bé Luyền

 

Các bác sĩ tỉ mẩn rạch từng lớp cơ, da của Luyền, tiếng dao điện nghe răng rắc. Vết mổ rạch theo hình vòng cung quanh chỗ phần khối u, qua hai núm vú bên dưới thành bụng rồi vòng lên dưới xương ức bên phải. Các bác sĩ bóc tách lấy toàn bộ khối u bao gồm 2 cánh tay, khối u nằm trên thành bụng dính vào mũi kiếm xương ức. Hơn một giờ sau, khối u cùng 2 cánh tay thừa được bóc ra, để lại vết rỗng toét dài 15cm trên phần bụng của bé Luyền. Sau khi cắt chỗ xương dính trên xương ức, bác sĩ Lê Phước Tân, Phó Khoa Chỉnh hình - Bỏng, xong phần việc của mình và rời vị trí. Tới lượt bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, Khoa Ngoại tổng hợp, thế chỗ để chuẩn bị công đoạn thứ hai. Bác sĩ Trương Quang Định vẫn là người mổ chính. Thỉnh thoảng, ông ngước lên nhắc bộ phận gây mê để ý kiểm tra chỉ số trên các máy trợ tim, thở, huyết áp. Cứ thế, những ánh mắt tinh tường, những đôi tay tỉ mẩn tập trung cao độ.

 

Theo dự kiến ban đầu, việc bóc tách diễn ra trong vòng 2-3 giờ nhưng “kịch bản” bị vỡ. Cơ thể bé Luyền còn có nhiều bất thường mà trước đó, qua siêu âm, chụp CT, máy móc không phát hiện được.

 

Hội chẩn chớp nhoáng

 

Sau khi bóc 2 cánh tay bé Luyền, vết mổ vừa mở ra, một cuộc thám sát kiểm tra bắt đầu. Lòn tay thám sát nội tạng bên trong, bác sĩ Định thốt lên: “Bé có gan nằm bên trái”. Song kiểm tra lại, ông nhận thấy gan của bé to bất thường như của hai người nằm lấn sang phần bụng bên trái và chỉ có một ống mật chủ. Ngoài ra, bé Luyền có một lá lách và rất nhiều lách phụ nhỏ.

 

Điều bất ngờ nhất nằm ngoài dự kiến của ê kíp phẫu thuật là bé Luyền có hai bộ ruột. Trong đó, bộ ruột thừa nằm tại vị trí cách van hồi manh tràng 20 cm đổ vào với chiều dài 120 cm, đầu trên bít và có một phần tụy tạng vây quanh. Đoạn ruột này có mạc treo riêng và đổ vào hồi tràng chung dưới dạng ruột đôi cho đến tận van hồi manh tràng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bụng bé Luyền to lên như khối u lấn sang trái.
 

 

Trả lại một hình hài - 2

Hai tay thừa của bé Luyền đã được phẫu thuật loại bỏ

 

Trong phút chốc, một cuộc hội chẩn chớp nhoáng tại phòng mổ được tiến hành. Một chuyên gia về tiêu hóa của bệnh viện được huy động đến phòng mổ để tham gia. BS Phan Thị Minh Tâm, Trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức, được lệnh điều chỉnh lại hệ thống máy tim, máy thở để kéo dài cuộc phẫu thuật. Bộ ruột được trải ra, các bác sĩ cẩn trọng lần theo hết bộ ruột từ trên dạ dày xuống dưới hậu môn để tìm giải pháp. Những ánh mắt nhìn nhau, những giả thiết, nhận định chuyên môn được nêu lên. Cuối cùng, một quyết định tập thể nhanh chóng được thống nhất: Cắt bỏ bộ ruột thừa, sau đó tái tạo nối bộ ruột hoàn chỉnh, khâu lại mạc treo. “Phần ruột có những mạch máu nuôi nhỏ li ti nên phải chuẩn xác từng vết cắt, tránh mất máu cho bé. Từ trước đến nay, chúng tôi chưa gặp trường hợp như thế này”- bác sĩ Định cho biết.

 

Công đoạn cắt nối ruột mất khá nhiều thời gian, làm kéo dài ca phẫu thuật thêm 2 giờ. Đến hơn 13 giờ, các bác sĩ tiến hành chỉnh hình, đóng thành bụng, khâu phúc mạc bằng Viril 40 mũi liên tục, khâu cân bằng Vicril 20 mũi rời; đặt lam cao su dưới da, khâu da bằng mũi rời Donati…

 

Bất ngờ và hạnh phúc

 

Trải qua 4 giờ căng thẳng, đến 14 giờ, ca phẫu thuật hoàn tất. Bé Luyền được hồi sức tích cực. Các bác sĩ mệt mỏi rã rời nhưng không giấu được vẻ hân hoan. Những ánh mắt nhìn nhau hạnh phúc vì một ca phẫu thuật cực khó đã thành công.

 

BS Phan Thị Minh Tâm cho biết trải qua 30 năm trong nghề, bà chưa từng gặp trường hợp như bé Luyền. Những ca phẫu thuật trước đây bà thường gặp là dị tật đơn giản như rò dịch, dị tật hậu môn… và thời gian gây mê, mổ cũng diễn ra sát nút với tiên lượng ban đầu. Ở ca phẫu thuật bé Luyền, những phát sinh ngoài dự kiến đã gây xáo trộn toàn bộ cho ê kíp mổ. Trước khi lên bàn mổ, bé Luyền đã phải mất 2 giờ để được gây mê. Chỉ riêng việc tìm ven để truyền máu cho một trẻ sơ sinh cũng đã là chuyện không đơn giản.
 

 

Trả lại một hình hài - 3

Qua thăm khám và hình ảnh học cho thấy bé Luyền có khối u phát triển từ vùng ngực bụng bên trái

 

“Quyết định kéo dài thêm thời gian gây mê, phẫu thuật là điều cả kíp mổ không muốn nhưng không còn cách lựa chọn nào khác. Phải theo dõi kỹ, điều chỉnh lại các thông số hệ thống máy thở, tim mạch... để làm sao chuyện ảnh hưởng dấu hiệu sinh tồn cho bé luôn ở mức thấp nhất. Vì thời gian phẫu thuật kéo dài, bé nằm lâu trong phòng lạnh sẽ bị ảnh hưởng về thân nhiệt… Việc phẫu thuật bóc tách không gây mất máu nhiều nhưng loại bỏ 2 cánh tay thừa và khoảng 120 cm ruột khiến tổng trạng bé mất đáng kể. Khi chưa phẫu thuật, bé nặng 3,7 kg nhưng những phần thừa mà phẫu thuật tách bỏ đã lấy của bé gần 1 kg. Tuy nhiên, ca mổ đã thành công, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã trả lại hình hài bình thường cho bé” – bác sĩ Tâm bày tỏ. 

 

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động