Trà chữa bệnh gây thêm... bệnh

Theo Lương y Đào Trọng Văn, người tiêu dùng phải phân loại được hai loại trà là loại chỉ chuyên dùng để trị liệu và loại chủ yếu để giải khát. Khi dùng những loại trà chữa bệnh, người bệnh cũng phải thật cẩn thận.

“Nếu bị bệnh mà ngại đến bệnh viện thì hãy mua thuốc dưới dạng trà về uống, đảm bảo vừa ít tốn kém vừa hiệu quả”, một chủ cửa hàng bán trà trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) quảng cáo.

 

Theo ông này “Trà vi bách bệnh chi dược”- trà là thuốc chữa được bách bệnh - ngay cả bao tử, xương khớp, u xơ tử cung, tim mạch, ung thư hay muốn thông xoang, dưỡng da, giải cảm, giảm cân…uống trà chữa bệnh vào là “ok”.

 

50.000 đồng có thể trị bệnh?

 

Tại các chợ, trên các tuyến đường và hàng loạt các siêu thị ở TPHCM, đâu đâu cũng thấy tràn lan trà chữa bệnh. Chỉ riêng một đoạn trên đường Phạm Văn Hai chưa tới 20m đã có đến 5 cửa hàng bán trà chữa bệnh. Tại đây, các chủ cửa hàng trưng bày trà tràn ra cả vỉa hè, có nơi người ta dành hẳn một kệ dài để trưng bày những sản phẩm trà chữa bệnh.

 

Vào một cửa hàng bán trà trên đường này, đập vào mắt là những túi trà bằng nilon chiếm cả lối đi.

 

Tôi bảo mình bị sạn thận hay đi tiểu dắt, chị chủ nhanh chóng cầm lên một bao trà gồm những sợi trà được vo tròn, màu đen gói vào trong các bao nhỏ, bảo: “Đây là trà chuối hột được bào chế từ 100% chuối hột, không sử dụng hóa chất, hương liệu, trị bệnh sạn thận và tiểu dắt”. Giá 50nghìn/50g, mỗi ngày uống 2-3gói.

 

“Đây là trà được các lương y có uy tín bào chế, thời gian sử dụng 2 năm. Nếu bệnh của em mới khởi phát uống khoảng 2 gói như thế này là lành ngay”, chị này nói.

 

Tại những đại lý bán trà ở khu vực chợ Bình Tây, các loại trà túi lọc như sen-lạc tiên, linh chi, atiso-nhân sâm, diệp hạ châu, kim tiền thảo, trà rong biển,  trà hòa tan bông cúc – la hán quả và tăng sinh… với số lượng lên đến hàng trăm loại trà được bày bán.

 

Trà chữa bệnh có hộp ghi công dụng, có hộp để trống trơn không ghi thành phần, cách sử dụng, hạn bảo quản. Chị Hoài Thu, chủ sạp trà trong khu vực hàng khô của chợ Bình Tây, lấy cho tôi hộp trà mà chị gọi là trà rong biển khi tôi nói có người thân bị bướu cổ.

 

Tuy nhiên, ngoài bao bì chẳng ghi thành phần gì. Chị chủ quán lấy bút nước ghi lên: “Trà làm mát gan, ngừa bướu cổ”. Chị Thu cho hay ngày nào quầy của chị cũng tiêu thụ gần 50kg.

 

Trà Hoàng cung trinh nữ được cho là có công dụng là trị bệnh u xơ tuyến tiền liệt, u xơ tử cung ở phụ nữ, gói 50g có giá 45 nghìn đồng. Trà ổi được quảng cáo trị bệnh cho những người bị bệnh tiểu đường.

 

Người đau bao tử được khuyên mua trà nghệ. Trà củ ráy được quảng cáo phòng bệnh gout, phong thấp khớp, tiêu thũng, giải độc. Bị viêm xoang mũi dị ứng người bị bệnh có thể tìm mua trà thông xoang…

 

Coi chừng gây bệnh

 

Theo Lương y Đào Trọng Văn, người tiêu dùng phải phân loại được hai loại trà là loại chỉ chuyên dùng để trị liệu và loại chủ yếu để giải khát. Ngay cả những người có bệnh khi dùng những loại trà chữa bệnh cũng phải thật cẩn thận khi sử dụng.

 

Tốt nhất, bệnh nhân phải đến khám ở bệnh viện hoặc các cơ sở y tế trước, trong và sau khi uống trà. Không nên chỉ đọc cách dùng của sản phẩm mà không có chỉ định của bác sĩ.  

Hầu hết các loại trà “chữa bệnh” đều được tinh chế từ hoa, lá, thân, rễ, củ… của các loại dược thảo sẵn có trong thiên nhiên. 

 

Tuy nhiên, theo Lương y Đào Trọng Văn- Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, người tiêu dùng đang quá “lạm dụng” trà chữa bệnh, đặc biệt là những loại trà chữa bệnh không nguồn gốc ở các chợ.

 

“Nhiều người cứ thấy trà là mua, ngay cả người không có bệnh cũng uống nhưng không biết đó là thuốc dưới dạng trà. Bởi vậy, không có bệnh mà uống thì sẽ độc”, Lương y Trọng Văn cho biết.

 

Điển hình những người không bị cảm nhưng vẫn uống trà giải cảm thì sẽ mệt, do mồ hôi ra nhiều. Có những loại trà có thể phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người kia.

 

Trong khi đó, lương y Trần Đình Hòe ở đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5 cho biết nhiều loại trà không nguồn gốc, chỉ định và cách dùng nên đã có nhiều người dùng sai quy định. Chẳng hạn không nên uống ngay trà chữa đau dạ dày sau khi ăn cơm vì khi đến dạ dày, chất tanin trong trà sẽ làm cho protein trong thức ăn trở nên cứng.

 

Ông Hoè còn cho biết: “Mới đây có người đến hỏi tôi về bệnh táo bón và đau bụng kéo dài có phải do uống trà hay không? Hóa ra ông này sau khi nhậu thịt chó và thịt dê lại uống trà chữa bệnh phong thấp khớp, nên axit tanic có trong nước trà kết hợp với protein, tạo thành tanalbin gây táo bón và đau bụng”.

 

Đó là chưa kể không ít người sáng sớm bụng còn đói cồn cào lại uống trà sẽ làm tổn thương thận khí. Theo lương y Hoè, những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, viêm gan, viêm thận… nếu uống nước trà đặc vào lúc đói có thể làm cho bệnh nặng hơn.

 

Nhiều người cao tuổi nếu khí huyết hư nhược, uống nhiều nước trà có thể hại cho tỳ vị, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thậm chí phụ nữ cho con bú mà uống nước chè đặc thì sữa cũng ít đi.

 

Theo Lê Nguyễn

Tiền phong