TPHCM căng mình “gánh” gần 26% bệnh nhân cả nước

(Dân trí) - Số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đang không ngừng gia tăng, năm 2017 thành phố phải căng mình “gánh” gần 25,8% trong tổng số lượt khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, TPHCM trong năm 2017 các bệnh viện trên toàn thành đã tiếp nhận 41,9 triệu lượt người đến khám và điều trị ngoại trú, số người bệnh điều trị nội trú là 1,91 triệu lượt. Năm 2017, tổng số bệnh nhân điều trị tại TPHCM chiếm tới 25,8% trong tổng số bệnh nhân trên cả nước.

Các chuyên khoa: tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi đang là tâm điểm thu hút đông bệnh nhân. Trong tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị ước tính số người bệnh tại thành phố chỉ chiếm khoảng 40%, số bệnh nhân còn lại được bệnh viện các tỉnh chuyển đến hoặc tự vượt tuyến lên TPHCM điều trị.

Nhiều bệnh viện chuyên khoa tại TPHCM, tình trạng quá tải bệnh nhân chưa có điểm dừng
Nhiều bệnh viện chuyên khoa tại TPHCM, tình trạng quá tải bệnh nhân chưa có điểm dừng

Sở Y tế thành phố chỉ ra 3 nguyền nhân giúp các bệnh viện thu hút người bệnh: Một là: những năm qua nhiều kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố đã đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; Hai là: nỗ lực cải tiến chất lượng chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ người bệnh của các bệnh viện ngày càng tốt hơn. Ba là: liên thông tuyến quận huyện khám chữa bệnh BHYT, khiến số lượt khám gia tăng.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế thì, sự gia tăng số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị nếu so sánh với một số tỉnh ở khu vực phía Nam sẽ cho ra tỷ lệ nghịch. Do đó, bức tranh tổng thể của ngành y tế tại khu vực các tình thành phía Nam đang tồn tại nhiều “vùng tối” duy chỉ có TPHCM là vùng “sáng nhất” đây là vấn đề đáng lo ngại.

Sự phát triển “khập khiễng” giữa các tỉnh thành về cả chuyên môn lẫn đầu tư cho y tế đang vô tình “đẩy” người bệnh đến các bệnh viện tại TPHCM khiến bệnh viện tuyến tỉnh khó “giữ chân” bệnh nhân. Thực tế trên sẽ gia tăng tình trạng quá tải tại TPHCM khiến các bệnh viện luôn phải căng mình tiếp nhận, điều trị cho người bệnh.

Mặt khác, nếu TPHCM không có cơ chế đặc thù trong việc chi trả lương, thưởng cho phù hợp với năng suất công việc của y bác sĩ và cán bộ công nhân viên trong lĩnh vực y tế sẽ tạo ra tâm lý ức chế rất lớn cho người hành nghề. Công việc của những y bác sĩ tại các bệnh viện thành phố luôn ở mức cẳng thẳng và hiệu quả cũng cao gấp nhiều lần các đồng nghiệp ở tuyến tỉnh nhưng chế độ tiền lương bị “cào bằng” là sự bất hợp lý đang tồn tại, cần sớm tháo gỡ.

Sở Y tế cũng thừa nhận, sắp tới Bộ Y tế sẽ ban hành những thông tư hướng dẫn khống chế số lượt khám tối đa cho mỗi bàn khám, y tế thành phố đang đứng trước thách thức rất lớn trong việc giải quyết tình trạng quá tải bởi xu hướng gia tăng số lượt khám và điều trị tại các bệnh viện chưa có điểm dừng. Đại diện Sở Y tế cho rằng, thay vì xem là mâu thuẫn khó giải quyết, thì tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cần phải được nhìn nhận theo hướng thực tế với những giải pháp thích ứng trong tình hình mới.

Vân Sơn