TPHCM: 4 ngày không phát hiện thêm ca dương tính với H1N1

(Dân trí) - Mặc dù mỗi ngày TT Kiểm dịch y tế quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện thêm 10 - 15 hành khách có thân nhiệt cao trên 38oC nhưng tính đến chiều 16/6, TPHCM vẫn chỉ có 23 ca dương tính với cúm A/H1N1 và 13 người trong số này đã khỏi bệnh.

TPHCM: 4 ngày không phát hiện thêm ca dương tính với H1N1 - 1

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND thành phố HCM phát biểu trong buổi họp chiều ngày 16/6
 
Kể từ ca nhiễm cúm đầu tiên được phát hiện, đến nay đã có 9 chuyến bay đến Việt Nam có người bị nhiễm cúm với gần 1.700 hành khách. Trong đó, có 1.220 người ở TPHCM, hiện các cơ sở y tế thành phố chỉ mới tiếp cận giám sát được 605 người (gần 50%). Tuy nhiên, đã giám sát được gần 2.000 người có liên quan đến số hành khách bị nhiễm cúm, nhờ đó phần nào dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.

 

Mặc dù kết quả chống dịch khá tốt nhưng chiều ngày 16/6, tại UBND TPHCM, Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 đã được triệu tập dưới sự chủ tọa của Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND, để thảo luận về những tình huống có thể xảy ra sau khi WHO đưa ra cấp độ 6 về đại dịch toàn cầu.

 

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu cho biết: Hiện đã có 50% các cơ sở y tế trên toàn thành phố diễn tập ứng phó với những tình huống cúm xảy ra trên địa bàn cũng như khi có tin báo từ Sở Y tế.

 

Về các giải pháp ứng phó trong từng tình huống dịch lan rộng từ mức độ nhẹ đến nặng, sẽ có từ 5.000 - 6.000 giường bệnh phục vụ cách ly điều trị cúm A/H1N1 được chia cho các bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Nhi Đồng 1 và 2, bệnh viện Nguyễn tri Phương, Gia Định, An Bình, 115 và nguyễn Trãi…

 

Theo ông Phan Anh Minh, Phó giám đốc sở Công an TPHCM, cần có biện pháp đóng cửa các nơi tụ tập đông người cách không cần thiết khi dịch bùng phát như vũ trường, sân banh, trường học….

 

 

Ông Nguyễn Thành Tài chỉ đạo, ngành y tế phải có sự chuẩn bị quyết liệt nhưng cẩn thận không gây hoang mang và để ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cũng như cần tiến hành diễn tập thường xuyên công tác phòng chống cúm ở tất cả các cơ sở y tế, để khi dịch xẩy ra trên địa bàn thì công tác phòng chống cúm sẽ được suôn sẽ.

 

 

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức, kiến thức của người dân để tất cả biết tự giác chấp hành việc cách ly điều trị, cũng như biết tự bảo vệ mình đồng thời góp phần bảo vệ cộng đồng. Đặc biệt ngành y tế cần thành lập các đội điều trị cơ động để có thể ứng giúp các địa phương còn thiếu hay yếu.

 

Ngọc Thanh