Tình trạng mất vệ sinh ở Việt Nam rất nghiệm trọng

(Dân trí) - Gần 50 triệu người, trong đó có 18 triệu trẻ em không được dùng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Hậu quả là vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng nhiễm vào đất, nước, thức ăn, cùng với thói quen không rửa tay... đã dẫn đến tỉ lệ các bệnh đường tiêu hóa tăng cao.

Đó là một trong những kết quả được thông báo sau Điều tra Thực trạng vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân ở nông thôn VN do Bộ Y tế và Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tiến hành, được công bố tại Hà Nội, hôm nay (25/3).

88% trường học không có nhà vệ sinh chuẩn

Cuộc điều tra mang quy mô tổng hợp này cho thấy: Khoảng 88% trường học ở nông thôn Việt Nam không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn (do Bộ Y tế ban hành) và hơn một phần tư trường học không có nhà vệ sinh làm cho học sinh phải đi vệ sinh ở trong rừng, ngoài vườn, trên cánh đồng hoặc dọc bãi biển, bờ sông và bờ suối. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường.

Đây cũng là vấn đề của các gia đình ở nông thôn - hơn 80% hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam tức là khoảng gần 50 triệu người, trong đó có 18 triệu trẻ em ở không được sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Hậu quả là vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng đã nhiễm vào đất, nước, thức ăn cộng với thói quen không rửa tay đã dẫn đến việc người dân hay bị mắc các bệnh đường tiêu hóa như: tả và lỵ, các bệnh nhiễm ký sinh trùng, giun sán và đau mắt hột... Trong đó, bệnh tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp hiện vẫn đang là hai nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; gần một nửa trẻ em Việt Nam bị nhiễm các bệnh giun sán.

Theo UNICEF, vấn đề thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh và các phương tiện để rửa tay ở nhà và ở trường học đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em ở nông thôn Việt Nam. Tình hình trở nên rất nghiêm trọng, chỉ có 18% số hộ gia đình nông thôn, chưa đầy 12% số trường học và chưa đầy 3% chợ ở nông thôn có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Chất lượng nhà vệ sinh, nếu có, ở các trường học rất thấp, hầu hết không có khu rửa tay cho học sinh.

Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% số trường hợp ốm đau đều xuất phát từ nguyên nhân nước và vệ sinh môi trường không đảm bảo. Một cuộc điều tra mới đây của tổ chức này tại Việt Nam đã thông báo: Hơn 1/5 dân số VN đang ăn nước giếng khoan và có nguy cơ nhiễm asen.

“Mặc dù Việt Nam đã cam kết thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ ( trong đó có điều 7 - quy định đến năm 2015 giảm một nửa số người không được sử dụng nước sạch và không có được điều kiện vệ sinh cơ bản), nhưng theo đánh giá của LHQ, với tiến độ như hiện nay. Việt Nam sẽ khó có thể đạt được Mục tiêu Quốc gia cũng như Mục tiêu Thiên niên kỷ 7 về vệ sinh môi trường!”, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ bày tỏ.

Tốn kém vì thói quen mất vệ sinh

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường nhận định: Vấn đề không đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là sự phát triển và tương lai của trẻ em.

Ảnh hưởng sức khỏe do thiếu điều kiện vệ sinh dẫn đến một loạt chi phí, bao gồm chi phí y tế trực tiếp của người dân, giảm thu nhập cá nhân và những tốn kém của nhà nước chi cho các dịch vụ y tế. Ví dụ, việc rửa tay bằng xà phòng có thể giúp giảm gần một nửa các ca bệnh tiêu chảy và giảm nguy cơ mắc nhiểm khuẩn đường hô hấp. Thế nhưng, thực tế là chỉ khoảng 12% người dân nông thôn Việt Nam có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. “Lợi ích của tiêm chủng cho trẻ sẽ bị mất đi nếu đứa trẻ ấy bị tử vong vì bị tiêu chảy do điều kiện vệ sinh yếu kém gây ra”, ông John Hendra nhấn mạnh

Để đạt được mục tiêu Việt Nam đề ra vào năm 2010 là đạt được 70% hộ gia đình và 100% trường học có nhà tiêu hợp vệ sinh, đại diện các đơn vị liên quan đã đưa ra 3 khuyến nghị chiến lược cần được thực hiện ngay, đó là:

- Tăng cường hơn nữa sự đầu tư về nhân lực và nguồn lực cho giáo dục vệ sinh.

- Xây dựng, bảo dưỡng các nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các trường học. Việc xây dựng các nhà vệ sinh phải tuân theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm các yêu cầu về cách ly chất thải chưa xử lý, tiêu diệt các ký sinh trùng gây bệnh trong phân và tránh ô nhiễm môi trường.

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường và khuyến khích các hành vi vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và nhóm nhà tài trợ bao gồm UNICEF, WHO và Ngân hàng Thế giới đang tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và cấp nước. Các hỗ trợ này nhằm nâng cao năng lực của người dân địa phương thông qua việc cung cấp kiến thức và kỹ năng về kỹ thuật và quản lý.

P. Thanh