Tính dược trong mâm ngũ quả

Trái cây là nguồn dinh dưỡng quý giá mà thiên nhiên ưu đãi chúng ta, trong đó có nhiều loại quả được xem như những vị thuốc rất quý từ xa xưa.

Để đón Xuân, ngoài việc dọn dẹp, thu xếp, trang trí nhà cửa cho khang trang tươi tắn, nhà nhà còn chưng bày hoa quả vừa cho đẹp mắt, vừa rộn ràng vui Xuân. Nhưng hoa quả không chỉ bày biện cho vui mắt mà còn được làm nguồn thực phẩm, đặc biệt là các loại quả. Ta thử xem tính dược của một số trái cây, đặc biệt là 5 loại trái cây nằm trong mâm ngũ quả sẽ có mặt trong nhà ta trong mấy ngày Tết sắp đến.

Bày tỏ ước nguyện sung túc

Về mặt Đông y, từ cổ xưa, nhiều loại quả đã được xem như là vị thuốc rất quý. Thí dụ như dưa hấu, một loại quả mà nhà nào cũng có trong 3 ngày Tết. Đông y gọi dưa hấu là Tây qua, được xem là vị thuốc giải nhiệt, giải độc, bồi dưỡng cơ thể.

Mãng cầu xiêm
Mãng cầu xiêm

Được xem là giải nhiệt thì không có lý gì “ăn nhiều dưa hấu sẽ bị nóng, mắt đổ ghèn” như một số người đã gán cho dưa hấu, đặc biệt khi thấy đám trẻ ăn quá nhiều loại quả này. Thật ra, chính do ăn nhiều mứt, kẹo, bánh ngọt vốn là thức ăn đầy rẫy trong mấy ngày Tết và cũng là thức ăn chứa nhiều năng lượng (do chứa nhiều đường) mà trẻ con có biểu hiện “nhiệt” như một số bà con ta thường gọi.

Trái dừa
Trái dừa

Đối với người Nam bộ, trong mấy ngày Tết thường chưng trên bàn thờ tổ tiên mâm ngũ quả. Mâm này gồm 5 loại quả: Mãng cầu (Na), Sung, Dừa, Đu đủ, Xoài. Khi chưng mâm ngũ quả như thế, người dân Nam bộ muốn bày tỏ ước mong suốt cả năm cuộc sống gia đình sẽ luôn luôn sung túc. Bởi vì tên gọi của 5 loại quả này nếu sắp xếp và đọc theo tiếng Nam bộ sẽ trùng với câu: “Cầu sung (túc) vừa đủ xài”. Ngoại trừ quả sung, ít khi được ăn, các loại quả còn lại đều thuộc loại bổ dưỡng.

Nguồn thuốc bổ đa sinh tố và chất khoáng

Các loại trái cây, trong đó có Mãng cầu là nguồn dinh dưỡng quý mà thiên nhiên ưu đãi chúng ta. Ngoài việc cung cấp loại đường đơn bổ dưỡng như: glucose, fructose… rất dễ tiêu hóa hấp thu, nếu nói về tính dược thì các loại vitamin như: vitamin A, vitamin C, B1, B2, PP…, các hợp chất gọi là bioflavonoid có tác dụng chống ôxy hóa, các chất khoáng như sắt, kẽm, selen… mà trong các loại quả thường chứa sẵn. Có thể xem các quả là nguồn thuốc bổ đa sinh tố và chất khoáng giúp chuyển hoá các chất trong cơ thể, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể chống bệnh tật.

Đu đủ
Đu đủ

Đu đủ, xoài với màu vàng cam như thế chứa nhiều bêta-caroten (tiền vitamin A), khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A. Hơn nữa, bêta-caroten hiện nay được xem là chất chống oxy hóa có vai trò tích cực vô hiệu hóa các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hoá ở mô, tế bào. Riêng đu đủ còn giúp cho tiêu hoá tốt, nhuận trường (người thường bị táo bón nên ăn nhiều đu đủ).

Xoài
Xoài

Với Dừa thì nước Dừa cộng với cùi Dừa là loại nước giải khát rất tốt, có nhiều chất dinh dưỡng như: đường, các acid amin, các acid hữu cơ, chất khoáng… Riêng nước Dừa, với tỷ lệ hàm lượng các chất rất thích hợp đến độ người ta có thể dùng nước Dừa là dịch truyền để bù nước và chất điện giải trong những trường hợp ngặt nghèo thiếu dịch truyền (như ở vùng bưng biền tại miền Nam trong thời chiến tranh trước đây).

Đối với Sung, một số người dân Nam bộ lại cho rằng âm của “sung” không chỉ trùng với âm “sung” của “sung túc” mà còn trùng với âm “xung” của “xung khắc”, nên không chưng sung trong mâm ngũ quả mà thay vào đó là thơm để cầu mong danh thơm tiếng tốt. Thơm (dứa) thì ăn ngon ngọt không ai chê được và đặc biệt, trong thơm có chứa một loại enzym thủy phân protid giúp tiêu hoá chất đạm. Chúng ta cũng biết các bà nội trợ có nhiều kinh nghiệm làm cho mềm thịt trước khi nấu nướng bằng cách cần ướp thịt với thơm trong một thời gian vừa phải.

Chùm trái sung
Chùm trái sung

Mấy ngày Tết cũng nên chưng Bưởi. Ăn Bưởi xem như ta uống “vitamin C thiên nhiên” mà việc hấp thu và lưu trữ trong cơ thể sẽ tốt hơn nhiều so với uống các viên thuốc vitamin C tổng hợp. Tuy nhiên, đối với người đang phải dùng thuốc để chữa bệnh, cần lưu ý tránh dùng nước bưởi khi đang uống thuốc. Bởi vì hiện nay người ta phát hiện nước bưởi gây tương tác bất lợi (uống cùng lúc có thể tăng độc tính) với khá nhiều thuốc (như thuốc trị tăng huyết áp felodipin hay thuốc trị mỡ máu atorvastatin). Bưởi được đề cập ở đây là bưởi chùm có tên khoa học Citrus paradisis khác với bưởi có ở ta có tên khoa học là Citrus grandis họ Rutaceae.

Cơ chế tương tác giữa nước bưởi chùm và thuốc

Nhiều thuốc được chuyển hóa bằng enzym cytochrom P-450 với ký hiệu CYP3A4 có ở gan và ruột. Khi ăn hoặc uống bưởi chùm, nồng độ CYP3A4 trong gan ruột bị chất naringin và bergamotin có trong nước bưởi làm cho enzym giảm đi rất nhiều. Do đó, sự chuyển hóa và thải trừ thuốc sẽ kém và chậm hơn so với bình thường, giống như ta dùng thuốc quá liều (mặc dù dùng đúng liều) và bị ngộ độc thuốc.

Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức

Người lao động