“Tình chị em”: Mô hình y tế nâng cao chất lượng sinh sản

(Dân trí) - Từ tháng 1.2009 - 6.2012, mô hình y tế “Tình chị em” được tiến hành thử nghiệm tại 70 trạm y tế xã/phường của 3 tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long, trong đó Thái Nguyên là 25 trạm, Huế là 25 trạm và Vĩnh Long là 20 trạm.

Đây là mô hình y tế  thuộc khuôn khổ dự án “Nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các trạm y tế xã/phường” do tổ chức Atlantic Philathropies tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức Marie Stopes International tại VN (MSIVN).

 

Trong khoảng thời gian nay, mô hình “Tình chị em” tiến hành hàng loạt các hoạt động chuẩn bị cho khai trương mô hình, bao gồm thăm quan học tập, đào tạo con người, 70 khóa tập huấn về chuyên môn lâm sàng và ngoài chuyên môn (chất lượng dịch vụ, khơi gợi nhu cầu cho khách hàng, quảng bá thương hiệu) được tổ chức cho 456 cán bộ trạm y tế; cung cấp trang thiết bị cơ bản phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ, sửa chữa và thiết lập phòng thương hiệu, sản xuất tài liệu truyền thông, khai trương mô hình.

 

Theo công cụ “Đánh giá tác động” của MSI toàn cầu, mô hình “Tình chị em” ở 3 tỉnh dự án góp phần mang lại các kết quả quan trọng ban đầu như ngăn ngừa được 8.967 ca mang thai ngoài ý muốn, ngăn ngừa được 8 ca tử vong mẹ và 70 ca tử vong trẻ sơ sinh. Hiện tại, ở Vĩnh Long, tổng số khách hàng đến đạt gần 30 nghìn khách; 88,4% trong đó được nhận dịch vụ SKSS/KHHGĐ; số khách hàng mới tăng lên theo từng tháng, trung bình đạt hơn 2.000 khách/tháng. Dự án đang bắt đầu đánh giá giữa kỳ ở cả ba tỉnh. Dự kiến khoảng hai tuần đầu của tháng 1. 2011 sẽ có báo cáo đánh giá.

 

Trước đó, mô hình “Tình chị em” đã được thí điểm tại Khánh Hòa và Đà nẵng từ năm 2005 - 2009 trước đó.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng Đại diện Tổ chức MSIVN nhận định: “Mô hình nhượng quyền xã hội “tình chị em” tại khu vực y tế nhà nước là một cách tiếp cận độc đáo và tiến bộ, áp dụng sáng tạo và hiệu quả những nguyên tắc của nhượng quyền kinh doanh để hướng tới những mục tiêu xã hội tốt đẹp và là mô hình đầu tiên được thử nghiệm trong ngành y tế tại VN”.

 

PV