Tìm phác đồ điều trị chủng cúm chết người

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc với 28 người mắc, 8 người tử vong, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất cao, Bộ Y tế vừa tăng cường kiểm soát dịch, vừa nghiên cứu phác đồ điều trị chủng cúm chết người này.

Sẽ sớm có phác đồ

Chiều 9/4, tại Bộ Y tế đã diễn ra cuộc họp hội đồng xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị và phòng lây bệnh cúm A/H7N9) do Bộ Y tế tổ chức ngày 9/4. Hội đồng do TS Nguyễn Văn Kính Giám đốc BV bệnh nhiệt đới TW làm Chủ tịch Hội đồng.
 
Tìm phác đồ điều trị chủng cúm chết người
Tại BV Nhiệt đới Trung ương đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân cúm A/H7N9. Bộ mồi xét nghiệm cũng đã sẵn sàng, nếu có mẫu bệnh phẩm có thể tiến hành xét nghiệm ngay. Ảnh: H.Hải

Tính đến 8/4, Trung Quốc có 21 người nhiễm cúm A/H7N9, trong đó 6 người tử vong. Ngoài ra, tại vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đã có 2 trường hợp vừa ở Trung Quốc trở về và nghi nhiễm cúm A/H7N9.

Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 tuy nhiên các chuyên gia vẫn đang tích cực trao đổi về các ca lâm sàng với đồng nghiệp nước bạn để xây dựng phác đồ điều trị chủng mới này.

“Các đồng nghiệp Trung Quốc chia sẻ ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9 diễn biến rất nhanh giống H5N1 với tổn thương phổi rất nặng, vừa có dấu hiệu hội chứng cúm bệnh nhân đã có hiện tượng khó thở. Bệnh án của bệnh nhân cũng thể hiện bệnh nhân bị tổn thương phổi nhanh, tim và thận ít tổn thương, có tiêu cơ và tăng men gan”, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW cho biết nói.

Các chuyên gia cũng đồng quan điểm với đồng nghiệp nước bạn, cho rằng đến nay chưa có bằng chứng cúm A/H7N9 lây từ người sang người.

PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai đưa ra những khuyến cáo để phòng căn bệnh này. Theo TS Bình, việc quan trọng nhất là phát hiện sớm và cách ly kịp thời.

Cũng theo TS Kính, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì Tamiflu vẫn là thuốc nhạy cảm trong điều trị và dự phòng cúm. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng phác đồ điều trị, BV cũng chuẩn bị mọi mặt để  sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9 khi có bệnh nhân.

Theo đó, BV đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch của BV, Thành lập đội phòng chống dịch lưu động sẵn sàng cho điều động khẩn cấp, ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; thành lập 2 đội cấp cứu chống dịch ngoại viện. Đồng thời đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân khi có dịch xảy ra.

“Tại BV đã có đầy đủ phương tiện, hệ thống máy để làm ngay công tác chẩn đoán. Bộ mồi để thử cúm A/H7N9 cũng đã có, nếu có bệnh phẩm sẽ làm được ngay”, TS Kính cho biết.

Ngoài ra, bệnh viện đã dự phòng 3.000 viên Tamiflu, 8000 khẩu trang phẫu thuật, 250 khẩu trang kháng vi rút, 23 máy thở, 2 máy lọc máu liên tục… và sẽ đề nghị được cấp thêm máy thở.

Nâng cao thể trạng để phòng bệnh

Theo các chuyên gia, các ca bệnh tại Trung Quốc xảy ra rải rác, chưa rõ đường lây truyền, chưa có bằng chứng vì sự lây truyền vi rút từ người sang người, chưa rõ tần xuất bệnh hay gặp ở nhóm nào vì các ca bệnh ở nước này gặp ở tất cả các lứa tuổi khác nhau. Trong đó bé nhất là một cháu bé 4 tuổi, nhiều tuổi nhất là bệnh nhân 87 tuổi, rồi 27 – 28 nên chúng ta chưa xác định được tần xuất hay gặp ở nhóm nào.

Vì thế, để chủ động và sẵn sàng ứng phó với khả năng dịch bệnh lan rộng và xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường giám sát các  trường hợp mắc viêm phổi nặng, chùm ca viêm phổi nặng, đồng thời cần lấy mẫu xét nghiệm khi nghi ngờ nhiễm chủng cúm mới. Bên cạnh đó, các cơ sở phải chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị y tế, vật tư máy móc, phương tiện phòng hộ cá nhân và tổ chức tốt việc thu dung, cách ly điều trị ca bệnh cúm A (h7N9) theo quy định, hạn chế tử vong. 

Trước đó, trả lời báo giới về chủng cúm mới này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: “Dù chưa xác định con đường lây truyền, chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, nhưng đây là loại vi rút cúm bắt nguồn từ gia cầm, vì thế Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo phòng bệnh người dân không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Người trở về từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để theo dõi sức khỏe.

Còn để phòng lây truyền, cúm là bệnh lây qua đường hô hấp, nên phương pháp phòng cúm kinh điển, dù là cúm bệnh dịch hay cúm A mới ở người, việc quan trọng đầu tiên phải rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Thứ ba là thường xuyên mở cửa thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao. Khi tiếp xúc nơi đông người, nơi xảy ra dịch, với người mắc bệnh hô hấp cấp tính nên đeo khẩu trang. Những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đặc biệt là khó thở không rõ nguyên nhân nên đến sớm cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

 Tú Anh