Tìm được nướu răng giả “trốn” 2 năm trong thanh môn

(Dân trí) - Bất tỉnh sau tai nạn giao thông, khi bình phục anh Đ. phát hiện mình bị mất 3 chiếc răng giả. Gần 2 năm trôi qua, anh gặp phải tình trạng khó thở, khàn tiếng. Tại bệnh viện các bác sĩ đã nội soi lấy ra nướu răng giả đang nằm vắt ngang thanh môn người bệnh.

Ngày 8/8 PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị dị vật bỏ quên rất hy hữu trong thời gian dài. Bệnh nhân là anh Lâm Thanh Đ. (39 tuổi, ngụ tại phường 5, quận 8, TPHCM).

Nướu răng giả được bác sĩ nội soi gắp ra từ thanh môn của người bệnh
Nướu răng giả được bác sĩ nội soi gắp ra từ thanh môn của người bệnh

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng khó thở, khàn tiếng, biểu hiện trên đã xuất hiện khoảng hơn 1 tháng trước và diễn tiến ngày càng nặng. Khai thác bệnh sử ghi nhận, gần 2 năm trước anh Thanh Đ. bị tai nạn giao thông phải nhập viện cấp cứu. Khi tỉnh dậy anh phát hiện 3 chiếc răng giả của mình đã mất.

Sau khi điều trị những thương tích do tai nạn, người bệnh xuất viện trở lại cuộc sống bình thường cho đến khi gặp các biểu hiện bất thường ở đường thở. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị dị vật bỏ quên nên tiến hành chiếu chụp kiểm tra và phát hiện ở vùng thanh môn có một vật cản nằm vắt ngang, chia đường thở làm 2 phần.

Dị vật nằm lâu trong đường thở đã dẫn tới tình trạng viêm nhiễm khiến thanh môn bị sưng nề, đường thở ngày càng hẹp lại. Bệnh nhân có nguy cơ bị đột tử nếu không được phát hiện, can thiệp. Ngay lập tức bệnh viện đã chỉ định nội soi gắp dị vật cho người bệnh.

Dị vật được lấy ra ngoài là bộ phận nướu răng bằng nhựa dùng để kết nối 3 chiếc răng giả với nhau có kích thước 2x4cm. Sau khi lấy được dị vật ra ngoài, sức khỏe của người bệnh nhanh chóng bình phục.

Phân tích chuyên môn của PGS Chung Thủy chỉ ra: Sau tai nạn giao thông do người bệnh bị hôn mê, các phản xạ bị rối loạn khiến nướu răng giả thay vì bị tống ra ngoài thì lại đi lạc vào đường thở.

Lý giải về nguyên nướu răng giả bị "bỏ quên" gần 2 năm, PGS Chung Thủy cho rằng, đây là dị vật có cấu tạo bằng nhựa không cản quang nên rất khó phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh. Mặt khác, dị vật không bít hoàn toàn đường thở và nằm cố định nên bệnh nhân vẫn thở được, không đau nhiều. Bệnh nhân đã may mắn khi không gặp những biến chứng nguy hiểm do dị vật gây ra.

Vân Sơn