Tiêu chảy cấp lan rộng, khó kiểm soát nguồn lây

(Dân trí) - 12 tỉnh, thành phố có bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó Hà Nội nhiều nhất với gần 200 bệnh nhân nhập viện. Khuẩn phẩy tả đã được tìm thấy ở nhiều ao hồ. Vi khuẩn tả tấn công vào nguồn nước là một nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh.

Nhiều nguy cơ

TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TƯ cảnh báo, nguy cơ lây bệnh từ nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

Tại Hà Nội, hồ Linh Quang là hồ đầu tiên được xác định nhiễm nhiều vi khuẩn nguy hiểm, trong đó có phẩy khuẩn tả đã được khử khuẩn bằng cloramin B. Tuy nhiên, đây chỉ một trong rất nhiều hồ hiện nay của Hà Nội có nguy cơ nhiễm nhiều vi khuẩn nguy hiểm, do người dân sống quanh hồ vẫn thải trực tiếp nguồn nước sinh hoạt, rác thải xuống hồ. Đặc biệt là ở 30 hồ tù đọng trên địa bàn thành phố, nguy cơ này càng cao hơn.

Trong khi đó, tại các địa phương có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, việc kiểm soát nước ở ao, hồ là điều rất khó vì nó mang tính riêng lẻ và nhiều vô kể. Nước ao nhà luôn gắn liền với sinh hoạt của người dân, từ tắm giặt, rửa chân tay khi đi làm đồng về đến rửa tưới rau…

Trên thực tế, đã xác nhận ao tại một gia đình ở Thanh Hoá có vi khuẩn tả. Kết quả là trong buổi tiệc cưới, đã có 40 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 6 người dương tính với khuẩn phẩy tả dù người ta không xác định được mối lây nhiễm từ ao với các thực phẩm trong tiệc cưới.

Hay như tại sông Nhuệ cũng đã bước đầu xác nhận nhiều đoạn chảy qua khu dân cư có dịch tả. Trong khi đó, dòng chảy luôn luân chuyển, nguy cơ phẩy khuẩn tả lan nhanh, ra môi trường rộng hơn là rất cao.

Vi khuẩn tả tấn công vào nguồn nước là một nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, thức ăn hè phố không đảm bảo vệ sinh, nước đá, rau sống… vẫn là những thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm phẩy khuẩn tả. Trong khi đó, mỗi ngày đã có hàng trăm, hàng nghìn người dân thành phố có nguy cơ ăn phải những thực phẩm này.

Vô tư chén tiết canh, rau sống

Mặc các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin hàng ngày, mặc những lời cảnh báo của các cơ quan chức năng, nhiều người dân vẫn ung dung trước dịch tả. Dường như trong ý thức của họ, dịch tả luôn… trừ mình. Đó là lý do khiến vì sao, các quán xá, hàng rong vẫn luôn tấp nập.

Vi khuẩn tả có thể tồn tại khá lâu trong môi trường kiềm; trong phân 150 ngày; trong đất 60 ngày; trong nước 20 ngày nhưng lại bị tiêu diệt chỉ trong 5 phút dưới nhiệt độ 80 độ C, ở môi trường axít và 15 phút trong thuốc CloraminB. Vì vậy, biện pháp phòng căn bệnh này rất đơn giản và hoàn toàn có thể thực hiện nếu người dân có ý thức ăn chín, uống sôi.

Mỗi sáng, quán lòng lợn tiết canh giáp chợ cóc trên đường Chiến Thắng (Văn Mỗ, Hà Đông, Hà Tây) vẫn tấp nập khách. Từ người già đến nam thanh nữ tú đều có cả.

Hơn chục bát tiết canh xếp thành hàng trên mặt bàn vơi dần sau mỗi đợt khách. Theo quan sát của chúng tôi, thường những thanh niên nam đi theo nhóm, ngoài rượu trắng, lòng lợn họ đều gọi thêm món khoái khẩu là tiết canh. Còn với những người già, nữ giới thì e dè hơn với món ăn nhiều nguy cơ này.

“Tiết canh vừa mát lại… bổ, trong khi giá lại rất bèo, chỉ có 3000đ/bát. Tôi sáng nào cũng ăn mà chẳng thấy sao, hoạ chăng mới bị tào tháo hỏi thăm, chỉ dùng dăm ba viên Becberin là hết, mà chắc gì phải do tiết canh gây ra. Ăn nhiều đâm nghiện, sáng nào cũng phải ra sớm kẻo nhỡ hết thì nhớ lắm”, anh Thắng, sống tại ngõ 6, đường Chiến Thắng nói.

Nhiều người khác tỏ ra khó chịu khi chúng tôi nói về nguy cơ tiêu chảy cấp do món ăn không mấy vệ sinh này. “Miễn hỏi, đang ăn mất cả hứng, đây không sợ, nếu sợ thì chẳng ai gọi làm gì”, một giọng nói cất lên. Ngay sau đó là tiếng cười nói ha hả của cả nhóm, rồi lại cụng ly và nhồm nhoàm ăn tiết canh với món rau sống gồm hành tươi, húng chó và mùi tàu.

Còn tại một quán bún trên phố hàng Điếu, trên mặt bàn còn la liệt bát ăn dở, hai thanh niên vừa ngon lành ăn bún, vừa dùng tay nhúm những cọng rau sống, rau chuối ăn ngon lành.

Riêng món bún đậu mắm tôm thì thường không thể vắng mặt ở các chợ, các quầy hàng rong trên phố. Tại quán bún đậu mắm tôm khá nổi tiếng gần chợ Thành Công, đến vào giờ trưa, khách hàng phải đợi hồi lâu mới kiếm được chỗ ngồi. Mấy nhân viên phục vụ liên tục mà vẫn không xuể yêu cầu của thực khách, khi thì thêm chút mắm tôm, khi thì thêm đĩa rau kinh giới, dưa chuột… Nhìn không khí ăn uống tấp nập ở những nơi này, dường như chẳng ai nghĩ đến nguy cơ dịch tả đã sát sườn.

Bệnh nhân vẫn tăng lên hàng ngày

Chiều ngày 7/4, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường Việt Nam xác định có 12 tỉnh, thành phố phát hiện có bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ngoài 10 tỉnh cũ, có thêm Hải Dương, Quảng bình gia nhập vào bản đồ dịch tả.

Như vậy, tính từ ngày 6/3 đến 2/4, cả nước có gần 400 trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 85 ca dương tính với phẩy khuẩn tả xuất hiện rải rác tại các địa phương. Hà Nội vẫn là nơi có nhiều bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm nhất, với gần 200 bệnh nhân, trong đó, 44 người được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả.

Tình trạng quá tải không chỉ diễn ra tại Viện Các bệnh truyền nhiễm & Nhiệt đới quốc gia, mà các viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Quân y 103, bệnh nhân tiêu chảy rất quá tải.

Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, Bộ Y tế liên tiếp đưa ra các khuyến cáo, đó là cần ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống; mắm tôm; mắm tép sống; nem chua, nem chạo; gỏi cá, hải sản sống; không uống nước lã, nước đá không đảm bảo vệ sinh; không ăn thịt chó.

Chiều 7/4, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm công bố kết quả xét nghiệm các thực phẩm, trong tháng 3 vừa qua lấy mẫu thực phẩm tại 7 địa phương có nguy cơ cao, gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Phòng và Hà Nội đã phát hiện nhiều mẫu bệnh phẩm như mắm tôm, rau sống, xa lát, dưa chuột, cà chua, thớt thái thịt sống ...bị nhiễm phẩy khuẩn tả và các vi khuẩn đường ruột khác. Ngay tại một số cửa hàng lớn ở Hà Nội cũng phát hiện trên thớt thái thực phẩm chín, các mẫu rau sống hoặc salat đã rửa, dùng cho khách ăn ngay cũng chứa các vi khuẩn gây tiêu chảy như Colifoms, Staphylococcus aureus, Cl. perfringens, E.coli.

Hồng Hải