Tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng nhờ giảm thủ tục, “thông thoáng” cho doanh nghiệp

(Dân trí) - Ngày 14/3, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm với Cục Hải quan Hải Phòng sau khi có thông tin phản ánh về những vướng mắc liên quan đến thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP).

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kiêng Giang, Phó cục trưởng Cục hải quan Hải Phòng cho biết, từ ngày 2/2/2018 nghị định 15 có hiệu lực, đi vào áp dụng ngay nhiều lô hàng thực phẩm chưa được thông quan do còn lúng túng vì chưa có những hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, việc thực hiện có nhiều vướng mắc, do chính bản thân doanh nghiệp, những đối tượng chịu ảnh hưởng của nghị định cũng chưa nắm rõ nên việc chuẩn bị cũng có những khó khăn.

Đến nay cơ quan hải quan chưa nhận được danh sách các cơ quan kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương chỉ định theo Nghị định 15. Cùng đó, chưa có thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu có phải là liên tiếp hay hàng hóa có phải được sản xuất trong các cơ sở áp dụng hệ thống HACCP, GMP, ISO hay không; doanh nghiệp phải xuất trình hồ sơ đăng kiểm 1 hay nhiều lần; nghị định quản lý rượu vẫn còn hiệu lực, nay thêm nghị định 15 sẽ phải áp dụng như thế nào…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nghị định 15 được đánh giá là một cuộc “cách mạng” trong việc quản lý an toàn thực phẩm, thay đổi hình thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các đơn vị chức năng cũng đã giải đáp những vướng mắc trong thực hiện cho hải quan Hải Phòng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H.Hải
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H.Hải

Nếu như trước đây, 100% sản phẩm thực phẩm nhập khẩu phải tiền kiểm, dẫn đến thời gian thông quan lâu, lưu kho dài ngày gây khó khăn cho doanh nghiệp, thì nay với các sản phẩm này, cơ quan hải quan chỉ cần kiểm tra xác suất 1 - 5% trên lô hàng và hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây.

Nhờ vậy đã giảm 90- 95% thủ tục hành chính, không còn đại diện 3 bộ quản lý nhà nước về ATTP thường trực ở cửa khẩu mà chỉ có hải quan, giúp tiết kiệm 7,7 triệu ngày công và hơn 3.000 tỉ đồng.

Còn với các sản phẩm trong nước, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố và nộp một bản đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để hậu kiểm. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn của sản phẩm đó.

Để giám sát, cơ quan chức năng sẽ tăng cường khâu hậu kiểm, đề xuất nghiêm minh hơn trong xử phạt hành chính như phải tăng mức phạt, thậm chí rút giấy phép và xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm để tăng tính răn đe trong quá trình thực hiện.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, hiện Bộ Y tế và các bộ liên quan đã thành lập tổ phản ứng nhanh nhằm giải quyết ngay những vướng mắc trong việc thực hiện nghị định 15, đảm bảo sự nhanh nhẹn, thông thoáng nhất cho doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu sản phẩm thực phẩm.

Hồng Hải