Tiến bộ mới trong chẩn đoán ung thư

Căn bệnh ung thư được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong những nguyên nhân nguyên nhân chính gây tử vong cao trong vòng chưa đầy một thập kỷ trở lại đây.

Số ca tử vong do ung thư hiện chiếm 2,2% số người chết trên toàn thế giới do dịch bệnh và tai nạn. Cũng theo số liệu của WHO công bố vào tháng 2/2011, số người Ung thư phổi là 1,4 triệu người, ung thư dạ dày là 740 ngàn người, ung thư gan là 700 ngàn người, ung thư đại trực tràng là 610 ngàn người, sau cùng ung thư vú là 460 ngàn người (được tính trên toàn thế giới).

Tiến bộ mới trong chẩn đoán ung thư - 1

Với điều kiện thay đổi của môi trường tự nhiên và môi trường sống trên thế giới, ai cũng có khả năng bị ung thư. Do đó, tìm ra những phương pháp nhằm kiểm soát được căn bệnh này là điều tối quan trọng, và có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu tỉ lệ tử vong. Để hiểu rõ những phương pháp tầm soát ung thư mới có ý nghĩa như thế nào đối với nhân loại, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Giáo sư Tiến sĩ Thomas Grogan. Ông đồng thời là Giáo Sư Danh Dự, phân ngành Giải Phẫu Bệnh thuộc Đại Học Arizona.
 
Thưa giáo sư, theo giáo sư hiện nay có những phương pháp nào có thể giúp người bệnh chẩn đoán được căn bệnh ung thư?
 
GS.TS Thomas Grogan: Để giảm tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư, chúng ta cần phải phát hiện và đưa ra phương pháp điều trị sớm nhất. Với sự phát triển của nền y học thế giới, nhiều phương pháp xét nghiệm tiên tiến lần lượt được ra đời. Hiện nay, bên cạnh những phương pháp xét nghiệm truyền thống như PET scan, CT Scan còn có một phương phápmới đang được áp dụng khá thành công trên thế giới đó là phương pháp chẩn đoán mô bệnh học tự động. Phương pháp xét nghiệm mới này từ khi được áp dụng đến nay đã tăng cường hiệu năng chẩn đoán đúng lên từ 80 đến 97%.
 
Thưa giáo sư, ông có thể nói rõ hơn về phương pháp chẩn đoán mô bệnh học tự động này?
 
GS.TS Thomas Grogan: Phương pháp này được phát minh vào năm 1985 và kể từ đó đến nay đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Phương pháp xét nghiệm mô bệnh học tự động trong cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe ung thư giúp giảm thiểu các bước xét nghiệm thủ công bằng tay, từ đó giảm thiểu rủi ro sai sót, rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng cường tính chính xác của xét nghiệm. Công nghệ này cũng góp phần tăng cường mức độ tin cậy của xét nghiệm, cũng như sự tự tin khi sử dụng kết quả, từ đó tránh được các trường hợp chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán chưa đầy đủ. Với tất cả lợi thế vừa nêu trên, công nghệ chẩn đoán mô bệnh học tự động sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm hơn, hợp lý hơn. Đồng thời, thông qua việc chẩn đoán mô bệnh học tự động, chúng ta có thể xác định đích xác bệnh nhân nào đang đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị, từ đó đảm bảo lựa chọn được phác đồ điều trị cho từng đối tượng bệnh nhân một cách nhanh chóng hơn. Giả định trong trường hợp ung thư vú, nhờ các xét nghiệm về gen mà chúng ta có thể tăng độ chính xác lên đến trên 90%, giảm thiểu rủi ro sai lầm cho người bệnh xuống dưới 10%.
 
Thưa giáo sư, xin ông cho biết xét nghiệm bằng phương pháp chẩn đoán mô tự động có gì khác so với phương pháp xét nghiệm PET scan, CT scan?
 
GS.TS Thomas Grogan: Phương pháp chẩn đoán mô tự động có thể giúp các bác sĩ không phải sử dụng đến phương pháp thử - sai vừa mất thời gian, tốn kém, vừa khiến bệnh nhân phải chịu các tác dụng phụ không đáng có. Với phương pháp này có thể xét nghiệm được khoảng hơn 100 căn bệnh ung thư. Kỹ thuật PET Scan, CT Scan giúp chúng ta xác định được vị trí của khối u (tức là cơ quan nào trong cơ thể bị ung thư), có bao nhiêu khối u…Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm mới này giúp nhận biết bản chất và nguyên lý của bệnh (ví dụ: xác định đó là loại ung thư gì, đã di căn hay chưa, và phương pháp điều trị nào phù hợp).

Tiến bộ mới trong chẩn đoán ung thư - 2

Thưa giáo sư, xin ông cho biết phương pháp chẩn đoán mô tự động đang được áp dụng tại Việt Nam hay chưa?
 
GS.TS Thomas Grogan: Phương pháp chẩn đoán mô tự động đã và đang áp dụng tại Việt Nam. Hiện nay Khoa Giải phẫu bệnh của Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh đang ứng dụng phương pháp này từ tháng 8/2010 để chẩn đoán các mẫu bệnh phẩm.
 
Xin cám ơn giáo sư đã cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích!
 
P.V (thực hiện)
 

Phương pháp chẩn đoán mô học tự động được TS.BS Thomas Grogan phát minh ra vào năm 1985 và kể từ đó đến nay đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Hiện đang được Roche Tissue Diagnostics giữ bản quyền và cung cấp cho Đại học Y Dược TPHCM để tầm soát và chẩn đoán các tế bào ung thư.