TPHCM:

Tỉ lệ mắc mới và tử vong do HIV/AIDS giảm trong năm 2008

(Dân trí) - “Năm 2008, lần đầu tiên kể từ khi dịch HIV xuất hiện (1993), số người nhiễm mới phát hiện cùng số bệnh nhân AIDS và cả số tử vong đều giảm”, BS Lê Trường Giang, Phó chủ tịch UB Phòng chống AIDS TPHCM, cho biết.

Cụ thể số người nhiễm HIV năm 2008 là 5.451 người, giảm 48,2% (2007 là 10.515), số người chuyển AIDs là 3.307 người, giảm 39,5% (2007 là 5.466 người), riêng số tử vong 630 người (2007 là 686). 
 

Tính đến hết năm 2008, số trường hợp nhiễm HIV và AIDS còn sống 52.060 và 7.312 người đã tử vong do HIV/AIDS với toàn bộ 24 quận-huyện và 322 phường-xã, thị trấn của TPHCM đều có người nhiễm HIV. 

 

Trong đó, đáng chú ý là số nữ giới nhiễm HIV/AIDS tăng gần gấp đôi trong khoảng 10 năm gần đây, cụ thể năm 2002 có 12,2% đến năm 2008 có đến 24,3% nữ giới nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, có đến 57,2% số người trong độ tuổi lao động từ 20 - 29 tuổi và 27,1% trong độ tuổi 30 - 39 tuổi nhiễm HIV/AIDS.

 

Qua báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV vẫn cao ở 2 nhóm người chích ma túy (NCMT) và nhóm phụ nữ mại dâm (PNMD), trong đó nhóm NCMT có xu hướng tăng trở lại từ năm 2007 do gia tăng số người tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ).

 

Từ tháng 5/2008 đến tháng 4/2009, ngoài chương trình điều trị ARV, UB Phòng chống AIDS thành phố đã mở được 3 điểm điều trị bằng Methadone cho 434 người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các quận 4, 6 và Bình Thạnh.

 

Đã có 217 người bị phơi nhiễm nghề nghiệp được điều trị dự phòng phơi nhiễm. Sau điều trị dự phòng phơi nhiễm, không có trường hợp nào bị nhiễm HIV.

 

Hiện nay, 95% kinh phí cho việc phòng chống HIV/AIDS là do quốc tế viện trợ và 5% được cấp từ ngân sách nhà nước. Kể từ năm 2009, UBPC AIDS TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch tăng đầu tư của Việt Nam cho chương trình phòng chống AIDS tại TPHCM cho giai đoạn 2011 - 2015, khi viện trợ phòng chống AIDS giảm dần.

 

Cũng theo BS Lê Trường Giang, năm 2009, UB Phòng chống AIDS thành phố sẽ tập trung cho chương trình chăm sóc trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC) nhằm đưa trẻ đến trường, kêu gọi chống kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ OVC vì không có nguy cơ lây nhiễm từ trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

 

Ngọc Thanh