Thuốc nhỏ mũi: Càng dùng càng hại

(Dân trí) - “Dùng lâu dài thuốc trị nghẹt mũi, bệnh nhân sẽ ngày càng lệ thuộc vào thuốc hoặc bị viêm mũi do thuốc. Trong trường hợp này, phải xử lý bằng ngoại khoa (đốt cuốn mũi dưới)mới có kết quả”, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Viện tai mũi họng T.Ư cảnh báo.

Dùng tới 1.000 lọ Naphazolin!?

Cháu N.V. T 10 tuổi, nặng 56kg (Quảng Ninh) đến phòng khám TMH bệnh viện đa khoa Hồng Hà vì ngạt mũi. Mẹ cháu cho biết cháu đã dùng tới trên 1.000 lọ Naphazolin, kết quả là hiện nay, mũi cháu không thở được nếu không có Naphazolin.

Còn cháu N.H. L, 3 tuổi, nặng 16kg (Hà Nội) đến khám vì ngạt, tắc mũi và chảy mũi xanh mùi hôi. Trong 3 năm qua, mỗi khi L bị ngạt mũi là mẹ cháu mua Otrivin nhỏ. Thời gian đầu, thuốc có tác dụng tốt, cháu rất dễ thở nhưng thời gian gần đây, việc nhỏ mũi không mang nhiều hiệu quả, chị mới đưa con đi khám thì phát hiện con bị viêm xoang.

TS Dinh cảnh báo, các loại thuốc nhỏ mũi gây co mạch như Ephedrin, Phinol, Naphazolin, Oxymetazolin... ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người. Bệnh nhân vô tư nhỏ thuốc mỗi lần thấy mũi khịt khịt, tắc mũi, thời gian sử dụng thường từ nhiều tháng đến vài năm mà không lường được những hậu quả sau này.

“Nhiều bà mẹ rất thích dùng những loại thuốc này vì nó có tác dụng tức thì. Trẻ khi bị nghẹt mũi được nhỏ thuốc thở sẽ dễ dàng hơn, và mũi thông được từ 6 - 10 tiếng. Tuy nhiên, sau tác dụng của thuốc giảm dần, nếu vẫn dùng liều ban đầu sẽ không có hiệu quả. Do vậy, bệnh nhân sẽ phải tăng liều hoặc thay bằng thuốc mạnh hơn”, TS Dinh nói.

Thuốc nhỏ mũi chỉ giải quyết phần "ngọn"

Khi viêm, cuốn mũi có thể nở to ra, chèn ép toàn bộ khe thở, gây hiện tượng ngạt tắc mũi. Đây cũng là lý do khiến nhiều bà mẹ dùng thuốc co mạch để giúp con thông mũi. Họ không biết, các thuốc co mạch chỉ là loại thuốc dùng tạm thời để chữa triệu chứng, không phải là thuốc trị bệnh, không giải quyết tận gốc cơ chế sinh bệnh.

Nếu dùng thuốc này trong thời gian lâu hoặc nhiều lần, không những không giảm ngạt mũi mà còn dẫn đến ngạt mũi nhiều hơn trước khi dùng thuốc. Vì thuốc làm giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi, làm hư hệ thống màng nhầy - lông chuyển, nên đáp ứng của niêm mạc mũi đối với thuốc ngày càng giảm, tạo nên “bệnh viêm mũi do thuốc ngạt mũi kéo dài.

Như vậy, sau mỗi lần nhỏ thuốc, thời gian tác dụng ngày càng ngắn lại, số lần nhỏ thuốc ngày càng tăng, gây nên vòng luẩn quẩn tai hại. Do đó thời gian nhỏ thuốc không nên quá 7 ngày. Nếu lạm dụng thuốc co mạch, dùng kéo dài cho dù ngày vài lần, mỗi lần vài giọt thì sau vài tuần liên tục, thuốc sẽ giảm dần hiệu quả và tai hại hơn sẽ càng gây nghẹt mũi.

Trong trường hợp đã bị viêm mũi do thuốc hoặc quá lệ thuộc vào thuốc, việc điều trị rất khó khăn, phải xử lý bằng ngoại khoa mới có kết quả, chẳng hạn như đốt cuốn mũi dưới bằng điện hoặc bằng laser, cắt bỏ cuốn dưới một phần hoặc toàn bộ.

Có nhiều nguyên nhân gây nên ngạt mũi, tuỳ từng nguyên nhân sẽ có phương pháp giải quyết khác nhau. Vì thế khi bị ngạt mũi, cần phải xác định nguyên nhân rồi mới dùng thuốc. Đừng tự tiện dùng thuốc, bệnh sẽ ngày càng trầm trọng và kéo dài hơn. Nên đến bác sĩ chuyên khoa TMH để được khám và xác định bệnh, tránh để kéo dài.

Khi trẻ bị ngạt mũi mà chưa xác định được nguyên nhân, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc co mạch để nhỏ cho bé. Tốt nhất dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để nhỏ, rửa mũi hàng ngày. Nó có tác dụng rửa mũi, làm cho dịch mũi loãng ra và giúp niêm mạc mũi trở lại trạng thái bình thường. Có thể nhỏ 4 - 5 giọt vào một bên mũi rồi hút sạch, ngày làm 2 - 4 lần. Chú ý không bơm nước mạnh quá vào mũi để khỏi chảy xuống họng, nhất là với trẻ sơ sinh vì dễ gây sặc. Loại này hoàn toàn không gây hại gì, có thể dùng lâu dài.

Ngoài ra có thể dùng các loại xịt Sterimar (nước biển phun sương). Nó cũng có tác dụng làm cho niêm mạc mũi trở lại bình thường; có nhiều nguyên tố vi lượng như bạc, kẽm (giúp kháng viêm), đồng, mangan (chống dị ứng). Dạng phun sương nên có tác dụng làm sạch các rỉ mũi, tăng cường dẫn lưu dịch, loại bỏ các vảy ở trong mũi... Dùng trong viêm mũi xuất tiết, sau các thủ thuật ở mũi, sau nạo VA, sau cầm máu mũi... Loại thuốc này hoàn toàn vô hại, có thể dùng lâu được.

Hồng Hải