Thuốc nào giờ đó

“Thời khắc liệu pháp” (chronotherapy) là ngành khoa học nghiên cứu nhịp sinh học của cơ thể tương ứng với thời điểm dùng thuốc nhằm mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng thuốc theo mục đích trị bệnh.

Thuốc nào giờ đó - 1


Nhịp sinh học của cơ thể

 

Thực tế, nhịp sống của cơ thể không bao giờ giống nhau, vì vậy, có khi ăn nhiều nhưng không lên cân vì đó là thời điểm cơ thể cần tiêu hao năng lượng. Nhưng ngược lại, cũng có lúc ăn không bao nhiêu nhưng năng lượng lại được dự trữ thành mỡ ở bụng. Hoặc có thời điểm mà lượng chất gây dị ứng (histamin) trong cơ thể được phóng thích nhiều (như lúc nửa đêm về sáng), khiến những người có cơ địa dị ứng thường dễ bị hắt hơi, nhảy mũi hoặc lên cơn suyễn.

 

Dựa vào nhịp sống ấy của cơ thể mà hiện nay một ngành khoa học mới đang được nghiên cứu và phát triển, đó là ngành “thời khắc liệu pháp” hay nói cách khác, đó là dùng thuốc đúng giờ - tức “giờ nào, thuốc nấy”. Mục đích các công trình nghiên cứu là nhằm xác định loại thuốc nào phát huy tác dụng mạnh nhất trong cơ thể khi uống, chích, hít… đồng thời ít có tác dụng phụ gây hại nhất cho người bệnh. Kết quả là: dùng thuốc ít, hiệu quả điều trị cao, bệnh nhân mau lành bệnh và ít bị tác dụng phụ.

 

Từ nghiên cứu thời khắc liệu pháp trị bệnh ung thư

 

Tại hội nghị chuyên đề về “Thời khắc liệu pháp” tổ chức tại Paris tháng 9/1997, các nhà khoa học đã nêu lên một trong những hiệu quả điều trị quan trọng nhất đó là việc trị bệnh trong lĩnh vực ung thư. BS. Francis Lévi và các cộng sự đã khảo cứu trên 186 bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn tiến triển, được điều trị bằng liệu pháp hóa học với 2 thuốc oxaliplatine và fluoroouracil kết hợp với acid folinic. Bệnh nhân được chia làm 2 nhóm bằng nhau, cùng điều trị liên tục 5 ngày cách khoảng 16 ngày. Nhóm đầu được truyền dịch với lưu lượng không đổi, chia đều trong ngày. Nhóm thứ 2 được truyền dịch chính xác vào thời điểm nhất định dựa vào thời điểm sinh học của cơ thể. Kết quả cho thấy:

 

- Thuốc oxaliplatine được dung nạp dễ dàng hơn vào lúc xế trưa, trong khi thuốc fluoro-ouracil được hấp thu vào cơ thể tốt hơn từ nửa đêm đến 4 giờ sáng.

 

- 51% bệnh nhân dung nạp thuốc tốt nếu được điều trị theo liệu pháp sinh học so với 29% nếu dùng thuốc trải dài trong ngày. Tác dụng phụ như: ói mửa, đau, tiêu chảy, viêm miệng... cũng giảm đi 5 lần.

 

Như vậy, việc điều trị nhờ giảm bớt phản ứng độc hại của thuốc nên bệnh nhân có thể chịu đựng được lâu hơn, liều lượng có thể tăng lên để đạt hiệu quả cao mà cơ thể vẫn dung nạp tốt. Nhiều khảo cứu khác trên ung thư tuyến tụy và ung thư vú cũng cho kết quả khích lệ.

 

Đến thời khắc liệu pháp với một số thuốc trị bệnh

 

- Bệnh tim mạch: nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não thường xuất hiện vào buổi sáng khi các động mạch co lại và huyết áp tăng lên. Do đó, thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm bêta ức chế (beta-blocquants) cần uống vào buổi tối, để được phóng thích từ từ ngăn chặn nguy cơ tai biến xảy ra sáng hôm sau.

 

- Bệnh suyễn hoặc viêm mũi dị ứng về đêm: nên dùng thuốc chống dị ứng hoặc cắt cơn suyễn vào buổi trưa, buổi chiều.

 

- Thuốc giảm đau aspirin uống vào buổi tối (giữa hoặc sau bữa ăn) sẽ ít gây hại dạ dày hơn là uống vào buổi sáng.

 

- Các thuốc trợ tiêu hóa chứa các men amylaz, lipaz, protidaz uống ngay trước hoặc giữa bữa ăn sẽ phát huy tác dụng hơn là uống lúc bụng trống.

 

- Thuốc trị các bệnh nhiễm trùng: kháng sinh là phương tiện hữu hiệu nhất để trị các bệnh nhiễm trùng. Nhưng việc “quên” uống kháng sinh trong những thời điểm nhất định trong ngày đã làm cho kháng sinh không còn khả năng tiêu diệt được vi trùng nữa. Tại sao như vậy? Khi mắc bệnh nhiễm trùng, tùy theo bệnh nặng nhẹ, tùy sức khỏe bệnh nhân mà thầy thuốc chỉ định liều lượng để luôn có một lượng thuốc vừa đủ trong máu để tiêu diệt vi trùng. Lượng thuốc ấy phải được uống, tiêm chích đều đặn trong 24 giờ. Việc quên hoặc kéo dài quá lâu mới nhớ uống, chích khiến cho vi khuẩn chưa bị tiêu diệt tạo ra cơ chế chống lại tác dụng của thuốc. Đó là hiện tượng đề kháng kháng sinh mà nhân dân thường gọi là “lờn” thuốc. Thí dụ với kháng sinh nhóm beta-lactam (ampi, amox ...), vi khuẩn chống lại bằng cách: ngăn cản sự xâm nhập qua thành ngoài của vi khuẩn hay tiết ra beta-lactamase phá hủy beta-lactam khiến kháng sinh mất hiệu lực.

 

Việc kháng thuốc của vi khuẩn lại được di truyền để tạo ra những chủng vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Kết quả là liều lượng thuốc tuy có tăng hoặc thay đổi thuốc mới mạnh hơn, tốn tiền nhiều hơn mà bệnh vẫn không hết. Do đó, khi dùng kháng sinh trị bệnh cần nhớ đến nguyên tắc “đúng, đủ, đều” nghĩa là uống đúng thuốc, đủ liều lượng và phân bố đều trong 24 giờ để tiêu diệt mầm bệnh.

 

Vì thế khi đi khám bệnh và nhận toa thuốc, bệnh nhân có thể hỏi thêm thầy thuốc nên uống thuốc lúc nào thì tác dụng tốt, trước hay sau bữa ăn, bụng no hay đói hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc để có thể biết thêm về việc uống thuốc theo giờ.

 

Theo DS. Trương Tất Thọ
Sức khoẻ & Đời sống