Thuốc giả: Nhà sản xuất cũng "bó tay"

(Dân trí) - Thuốc bị làm giả thường là những loại thuốc kháng sinh đắt tiền. Chúng được làm giả tinh vi đến nỗi chính nhà sản xuất cũng không phân biệt được.

Ông Trịnh Văn Lẩu (ảnh), Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TƯ, đã cùng chúng tôi trò chuyện xung quanh vấn đề này.

Theo thông báo của Cục Quản lý Dược, năm 2007 tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam chiếm khoảng 0,17% và tập trung chủ yếu ở những loại thuốc đắt tiền. Đây có phải là vấn đề đáng lo ngại không, thưa ông?

Năm nay, tỷ lệ thuốc giả đã tăng so với năm 2006 là 0,04%. So với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan… tình hình thuốc giả giữ ở mức khá thấp và vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên chủng loại thuốc bị làm giả hiện đã có sự thay đổi.

Trước đây thuốc giả tập trung ở những loại phổ thông, được nhiều người sử dụng thì nay thuốc giả thường tập trung ở những loại đắt tiền. Bên cạnh đó, trước đây thuốc giả thường xuất hiện ở vùng sâu xa thì nay lại tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn nhiều dân cư, sức tiêu thụ mạnh.

Chủng loại thuốc đắt tiền nào hay bị làm giả nhất. Nhận biết ra sao?

Nói chung cứ loại nào bán trên thị trường chạy là bị làm giả. Tuy nhiên, thường tập trung nhiều vào các loại khánh sinh và Đông dược. Đáng lo ngại là chúng được làm giả bằng công nghệ cao, tinh vi đến nỗi chính nhà sản xuất cũng không phát hiện ra.

Năm 2007, cơ quan chức năng đã phát hiện thuốc từ Đông dược từ Campuchia đưa vào thị trường tự do được làm giả rất thật. Ngoài ra, có một số loại có dán nhãn mác tên nước ngoài nhưng chưa chắc đã phải hãng thuốc đó sản xuất.

Chẳng lẽ người tiêu dùng chỉ còn biết tin vào “vận may” của mình khi đi mua thuốc chữa bệnh?

Thông thường thuốc giả khó lọt vào các nhà thuốc trong bệnh viện do quy định kiểm tra nghiêm ngặt.

Lời khuyên đối với người tiêu dùng là nên mua thuốc tại những nơi có nguồn gốc rõ ràng, đừng theo kiểu mua bán trao tay. Cơ quan kiểm nghiệm chúng tôi đã phát hiện loại thuốc chữa phong thấp bán trôi nổi trên thị trường hiện nay chứa hàm lượng kháng sinh chống viêm rất cao. Sử dụng kéo dài loại thuốc này sẽ gây tai biến cho bệnh nhân.

Về phần quản lý, các nhà thuốc cần xúc tiến việc đạt chuẩn GPP và áp dụng cơ chế đồng bộ, tăng cường giám sát và truy tìm tận gốc. Giải pháp đang được chúng tôi đề nghị áp dụng là khi cán bộ lấy mẫu thuốc trên thị trường sẽ kiểm tra luôn giấy tờ, nguồn gốc và hoá đơn chứng từ của loại thuốc đó.

Ngoài bài toán thuốc giả, vấn nạn thuốc kém chất lượng cũng đang gia tăng. Trong thời gian vừa qua, Cục Quản lý Dược đã  cho thu hồi rất nhiều lô thuốc kém lượng có xuất xứ từ Hàn Quốc và Ấn Độ?

Ở Hàn Quốc có rất nhiều nhà máy sản xuất thuốc tốt. Tuy nhiên cũng có không ít nhà máy không đạt chất lượng.

Còn thuốc ở Ấn Độ thì lại thường sản xuất từ nguồn gốc sinh học. Ví dụ như các loại men, nên dễ bị biến chất khi gặp khí hậu không phù hợp.

Trong khi đó, khí hậu ở Ấn Độ nằm trong vùng 2 (độ ẩm thấp), thì chúng ta lại ở vùng khí hậu 4 (độ ẩm cao). Nhà sản xuất thì lại chưa nghiên cứu độ ổn định khi đưa vào môi trường lạ nên thuốc nhập từ Ấn Độ dễ bị hỏng. Chúng tôi đang tăng cường việc kiểm nghiệm thuốc nhằm sàng lọc chất lượng.

Năm nay, kế hoạch kiểm nghiệm của TT ra sao thưa ông?

Trong năm 2008, chúng tôi sẽ tiến hành thẩm định khoảng 30 - 34 nghìn mẫu thuốc và tập trung nhiều ở các nhà thuốc bán lẻ trên thị trường.

Cảm ơn ông!

P. Thanh (ghi)