Thuốc do công ty nhà nước nhập đội giá đến 300%

(Dân trí) - Trong khi mức chênh lệch của các công ty xuất nhập khẩu dược bên ngoài chỉ ở mức 5%-8% thì tỷ lệ chênh lệch các loại thuốc được uỷ thác nhập khẩu qua các công ty nhà nước lên tới 50% - 300%.

Báo cáo nghiên cứu “Tác động của các cơ chế về quyền sở hữu trí tuệ  đối với giá thuốc Việt Nam”, Bộ Y tế cho biết:

Ngành công nghiệp dược trong nước liên tục có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tính đến năm 2006 đã có 64/174 cơ sở sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN và DMP-WTO. Đáng chú ý là doanh số bán ra của các cơ sở sản xuất này đã chiếm 86% doanh số chung của ngành công nghiệp dược phẩm trong nước.

 

Mặc dù có nhữn bước phát triển nhanh này, ngành sản xuất dược phẩm trong nước vẫn chưa tự chủ được nguồn thuốc sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Tính đến tháng 12/2005, thuốc sản xuất trong nước mới cung ứng được khoảng 48,3% nhu cầu sử dụng (trên 90% nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc phải nhập khẩu). Tuy nhiên đây cũng chỉ là những loại thuốc mang tên gốc có giá trị sử dụng thấp, với các dạng bào chế thông thường tập chung vào khoảng 400 hoạt chất đã hết thời hạn bảo hộ độc quyền sáng chế và các hoạt chất chiết xuất từ dược liệu.

 

Số còn lại là các loại thuốc mới và thuốc đặc trị chủ yếu thì nước ta vẫn phải nhập ngoại với giá cả rất chênh lệch. Kết quả từ nhiều đợt thanh tra về giá thuốc cho thấy, trong khi mức chênh lệch của các công ty xuất nhập khẩu dược và giá bán buôn của chính công ty này chỉ ở mức 5% - 8% thì  các loại thuốc được uỷ thác nhập khẩu qua các công ty nhà nước và do các công ty này phân phối độc quyền, cắt lô thì tỷ lệ chênh lệch giữa giá nhập khẩu so với giá bán buôn lên tới 50% - 300%. Các loại thuốc đó được bán vào các nhà thuốc bệnh viện, khoa Dược bệnh viện, trung tâm y tế hoặc bán ngược cho các công ty xuất nhập khẩu nhà nước để đấu thầu vào các bệnh viện. Việc nâng giá lộ liễu này vẫn tiếp tục xảy ra mà chưa có chế tài xử lý.

 

Theo Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hoà Bình, có thể thấy rõ giá thuốc cao đã tác động đến tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp. Theo đánh giá của một chuyên gia UNDP, mỗi lần đi viện đã tiêu tốn 40% thu nhập hàng tháng của 20% người dân nghèo nhất Việt Nam. Với mức chi phí đó, nhiều người dân bị đẩy vào cảnh khốn đốn, trong khi đó các hãng sản xuất, đại lý và cửa hàng dược lại thu được nguồn lợi khổng lồ.

 

P. Thanh