Thực phẩm đang bị “làm đẹp” quá đà!

“Tâm lý chung của người tiêu dùng là khi nhìn thấy một món ăn có màu sắc đẹp, bắt mắt, có mùi thơm, vị ngon, thì thích ăn hơn”, PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc TT Kỹ thuật ATVSTP, Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam, chia sẻ.

  

Thực phẩm đang bị “làm đẹp” quá đà! - 1


Thưa bà, nghĩa là phụ gia thực phẩm là sự hiện diện tất yếu trong cuộc sống con người và chúng được sử dụng vì nhiều mục đích khác nhau?

 

Ngày nay sản xuất thực phẩm không thể thiếu phụ gia và thực tế thì sản phẩm nào cũng có phụ gia không ít thì nhiều, từ bánh kẹo nước uống, các sản phẩm chế biến từ thịt, nước mắm... Nhưng chúng ta cần hiểu rằng phụ gia thực phẩm là những chất có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng, được chủ động cho vào với mục đích đáp nhằm giữ nguyên hoặc cải thiện đặc tính nào đó của thực phẩm.

 

Thời gian qua có nhiều ý kiến về việc sử dụng chất tạo màu trong thực phẩm, vậy quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

 

Chất lượng của một sản phẩm thực phẩm bao gồm: giá trị dinh dưỡng và giá trị cảm quan. Màu sắc là chỉ số quan trọng của giá trị cảm quan, nó có tác dụng về mặt hình thức, nhằm tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm thực phẩm và làm tăng cảm giác ngon miệng. Trong chế biến thực phẩm, ngoài việc bảo vệ màu tự nhiên vốn có của nguyên liệu, người ta còn tạo ra các màu sắc thích hợp cho sản phẩm bằng cách sử dụng các loại phẩm màu thực phẩm có màu sắc phong phú, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

 

Từ xa xưa dân ta đã biết nhuộm màu thực phẩm từ những nguyên liệu thực phẩm tự nhiên, vừa an toàn vệ sinh vừa cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng hữu ích. Ngày nay, do sự phát triển mạnh mẽ của tiêu dùng, nhu cầu thực phẩm cũng gia tăng về hình thức, chất lượng và chủng loại. Nhà sản xuất muốn sản phẩm của mình hấp dẫn hơn, họ thường sử dụng các chất màu tổng hợp vừa cho màu đẹp, bền màu lại thuận tiện khi chế biến. Song việc sử dụng phẩm màu thế nào để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm là điều cần quan tâm.

 

Nói như vậy là bà đang lo ngại về tình trạng lạm dụng phụ gia thực phẩm nói chung và phẩm màu thực phẩm nói riêng?

 

Để món ăn ngon miệng, đẹp mắt không thể không sử dụng các chất phụ gia thực phẩm, nhưng việc sử dụng phụ gia thời gian qua đang bị lạm dụng. Hiếm có thực phẩm nào chỉ dùng một loại phụ gia, trái lại chúng ta dễ dàng thấy rất nhiều thực phẩm được sử dụng hàng chục loại phụ gia khác nhau.

 

Chúng tôi đã nhiều lần nói về việc dùng phẩm màu quá đậm và lòe loẹt là không tốt nhưng tâm lý chung khi nhìn thấy một món ăn có mầu sắc đẹp, bắt mắt thì nhiều người cũng thích ăn hơn. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại màu tổng hợp không có giá trị dinh dưỡng, do đó khi lựa chọn thực phẩm, nhất là thực phẩm cho trẻ nhỏ không nên chọn những thực phẩm sặc sỡ. Nếu sử dụng tùy tiện không đúng chủng loại, không đảm bảo độ tinh khiết và không đúng liều lượng thì phẩm màu sẽ là tác nhân gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

 

Vậy người tiêu dùng Việt Nam liệu có thể yên tâm với thị trường phụ gia thực phẩm như hiện nay hay chưa, thưa bà?

 

Nếu sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục và ngưỡng cho phép thì hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên vì lợi nhuận không ít nhà sản xuất sẵn sàng sử dụng phẩm màu công nghiệp hoặc các phụ gia không được cho phép vào các loại thực phẩm. Chẳng hạn như chất Dioxit crôm có đặc tính gây bỏng niêm mạc, da và nếu gặp nhiệt độ cao, nó tan ra, bám chắc vào biểu bì. Lợi dụng tính kết dính cao người ta nhúng thịt heo, gà, vịt khi đã vặt lông vào dung dịch trên, khi quay thịt chúng căng lên và có màu vàng nâu, bóng đẹp.

 

Đặc biệt trên thị trường hiện nay có rất nhiều thực phẩm được nhuộm màu khá lòe loẹt như bánh xu xê và nhiều loại kẹo bánh khác, nước giải khát... Nếu các sản phẩm trên dùng các phẩm màu cho phép đúng liều lượng thì chấp nhận được, còn dùng những phẩm màu không cho phép thì quả là nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế đã có những vụ ngộ độc do ăn xôi gấc có pha màu công nghiệp trong các đám cưới. Nguy hại hơn là trong tương ớt có màu đỏ Sudan và hạt dưa nhuộm phẩm màu đỏ Rhodamine B độc hại đã được phát hiện tại thị trường Việt Nam.

 

Hiện nay các phụ gia thực phẩm bán lẻ trên thị trường có nhiều loại không có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là phẩm mầu. Người tiêu dùng rất khó nhận biết được đâu là phẩm màu công nghiệp đâu là phẩm mầu thực phẩm vì rất nhiều loại bán trên thị trường hiện nay không có bao bì, nhãn mác.

 

Vậy bà có lời khuyên nào với những phụ huynh hay “dỗ” con mình bằng những thực phẩm có sử dụng nhiều phụ gia nhất là phẩm màu và các chất bảo quản?

 

Những chiếc kẹo, miếng thạch nhiều màu, nước trái cây hay những gói bim bim và đồ ăn nhanh... luôn là niềm yêu thích của trẻ nhỏ. Bởi tâm lý của trẻ thường là rất thích thú với những màu sắc hấp dẫn. Nhưng phẩm màu thì không có dinh dưỡng, trong khi đó trẻ nhỏ cần dinh dưỡng để phát triển thể lực và trí tuệ. Nếu thường xuyên cho trẻ ăn những thực phẩm ít dinh dưỡng sẽ tạo cho trẻ cảm giác no, đầy bụng và khó tiêu. Đó là chưa kể nếu nhà sản xuất sử dụng tùy tiện, không đúng chủng loại, không đúng liều lượng, phẩm màu có thể là tác nhân gây nhiều loại bệnh cho gan, thận của trẻ nhỏ.

 

Những tác động của phụ gia thực phẩm đến sức khỏe là gì thưa bà?

 

Cho đến nay, các bằng chứng về mối liên hệ giữa việc sử dụng các chất phụ gia thực phẩm trong thời gian dài với sức khỏe của con người vẫn còn chưa có bằng chứng rõ ràng. Tuy nhiên xu hướng sử dụng phụ gia trong thực phẩm sẽ ngày càng tăng chứ không giảm, và người tiêu dùng cũng phải chấp nhận một thực tế là thực phẩm có chứa phụ gia. Vì thế chúng ta nên chủ động tìm kiếm những sản phẩm được sản xuất từ các nhà sản xuất có uy tín, đáng tin cậy.

 

Với các doanh nghiệp nếu có thể, nên dùng những phẩm mầu tự nhiên. Nếu sử dụng các mầu tổng hợp, chỉ dùng các màu được phép sử dụng trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Đối với các sản phẩm thực phẩm dùng cho trẻ nhỏ không nên cho mầu sắc quá đậm. Ngoài ra, trên bao bì sản phẩm cần ghi rõ tên các loại phụ gia thực phẩm đặc biệt là phẩm mầu để người tiêu dùng biết mà chủ động lựa chọn được sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe.

 

Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm