Thực phẩm chứa hormon tăng trưởng gây… biến đổi giới tính?

(Dân trí) - Người nông dân chỉ quan tâm là trọng lượng gia súc tăng rõ rệt mỗi ngày trong khi những hormon tăng trưởng đều được cảnh báo gây nguy hại cho sức khoẻ con người, đặc biệt là chất kích thích chứa Clenbuterol.

Thuốc kích thích tăng trưởng - Nhiều như nấm sau mưa

 

Mới đây, Chi cục thú y TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 30% số thịt lợn được bày bán trên thị trường có chứa Clenbuterol. Đây là một hoá chất tổng hợp, khi vào cơ thể động vật sẽ tác động lên nhiều cơ quan và mô cơ. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều nước đã dùng chất này với mục đích kích thích tăng trưởng, tăng tỷ lệ nạc gia súc, tăng tỷ lệ trứng gia cầm.

 

Clenbuterol cũng là một loại thuốc dùng điều trị bệnh đường hô hấp cho trâu, bò, ngựa… Thuốc có thể thải dần qua đường tiểu và một ít qua đường phân. Tuy nhiên, đây là một chất bền vững với nhiệt, hầu như không thay đổi, mất đi trong quá trình nấu ở nhiệt độ lên tới 100 độ C.

 

Tại buổi toạ đàm “Thịt lợn tăng trọng và những nguy cơ” do báo Khoa học&Đời sống tổ chức ngày 6/7, các nhà quản lý đều khẳng định, các loại thuốc kích thích tăng trưởng gia súc trên thị trường hiện nhiều như nấm sau mưa. Người nông dân có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm mình ưa thích từ các loại  thức ăn chăn nuôi được trộn sẵn hormon tăng trưởng được bày bán rất nhiều trên thị trường với nhiều lới quảng cáo ấn tượng đến mua lẻ thuốc về tự “chế” để “thúc” gia súc tăng trưởng nhanh.

 

Rất khó phân biệt thịt lợn có hocmon tăng trọng với thịt lợn thường. Nhưng có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: Thịt chứa hocmon có đặc điểm rất nạc, khi nấu ra nhiều nước, ăn bở, không đậm đà, hơi có màu nhạt, sắc thịt kém hồng. Nếu dùng quá nhiều thuốc gần với thời gian giết mổ thì còn có thể ngửi thấy mùi khai khai…  

Nhiều nhà chuyên môn thừa nhận, thức ăn tăng trưởng mà người dân có thể tự mua và để “chế” theo công thức riêng tràn gập trên thị trường. Như ở tỉnh biên giới Lạng Sơn, phải kể đến những loại thuốc có tên rất “kêu” như: “Bạch Nhật Đại”, “Khai vị”, “Tăng gia phức đại”… Các chất này đều có ghi tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng, cải thiện và nâng cao chất lượng thịt, tăng cường khả năng sinh sản, giảm thời gian chăn nuôi, tăng số lượng trứng. Đáng lưu ý, không một bao bì nào có ghi thành phần các chất có sẵn trong sản phẩm. Đặc biệt thức ăn có tên “Bạch Nhật Đại” quảng cáo, nếu lợn từ 15kg sử dụng loại thức ăn này thì từ 10 – 15 ngày có thể xuất chuồng…

 

Không biết trong thuốc có thành phần gì?

 

Theo ông Đậu Ngọc Hào, Phó Cục trưởng Cục thú y thừa nhận, chúng ta không thể biết được thành phần của những loại thuốc trên là gì, đó mới là điều nguy hiểm. Còn với thức ăn chứa hormon tăng trưởng Clenbuterol cũng rất nguy hại, nhưng dù sao chúng ta cũng biết được cơ chế ảnh hưởng của nó tới sức khoẻ, dù sao nó cũng là loại thuốc liệt vào danh mục cấm dùng trong chăn nuôi, còn các loại thuốc trôi nổi trên thị trường kia thì cơ quan chức năng lẫn người dân đều “tù mù” về nó.

 

Ông Hào lý giải, ở Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu về thuốc kích thích tăng trưởng chăn nuôi. Hơn nữa theo ông cũng “chả cần nghiên cứu nhiều cho tốn kém”. Nếu là những chất kích thích chăn nuôi mà thế giới đã nghiên cứu, thấy được tác hại của nó, thế giới cấm thì ta cũng… cấm. Còn với những loại thuốc trôi nổi trên thị trường kia, đã không biết rõ công thức, tác dụng cũng như nguồn gốc xuất nên phải bán chui, mà đã là bán chui nhì nhất định ở nước sản xuất ra cũng cấm. Vậy Việt Nam cũng cấm!

 

Nhưng cấm sao được khi ta chưa có cơ chế?

 

Ông Hào “than vãn”: “việc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng ngoài danh mục chắc chắn là có, mà có nhiều là khác. Thế nhưng, muốn xử lý thì phải có chế tài. Như những loại thuốc xuất xứ từ Trung Quốc trên, nếu có văn bản cấm thì sẽ sử lý được người bán. Muốn làm được điều này phải có sự cảnh báo và can thiệp của nhiều cơ quan chức năng”.

 

Càng nguy hại với người thích ăn đồ tái sống

 

Clenbuterol tác động tới con người như thế nào đã được thế giới nghiên cứu, Việt Nam có sẵn chuẩn để xác định. Nhưng còn với các chất kích thích khác trôi nổi trên thị trường, nó tác động tới con người như thế nào thì Việt Nam chưa có điều kiện để nghiên cứu. Ông Hào kiến nghị phải có phòng thí nghiệm nào đó được Nhà nước chỉ định để nghiên cứu những tồn dư của các chất kích thích tăng trưởng trong thực phẩm. Từ đó, cơ quan thú y mới biết được giới hạn tồn dư các chất này trong thực phẩm ở ngưỡng nào là an toàn mà tính toán lượng thuốc tăng trưởng cho gia súc, gia cầm.

 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng - Cục vệ sinh an toàn thực phẩm cảnh báo, thực phẩm chứa hormon tăng trưởng nguy hiểm hơn với những người thích ăn đồ tái sống, ăn tiết canh lợn… Khi đó, những tồn dư của hormon tăng trưởng sẽ đi thẳng vào cơ thể. Còn nếu qua nấu chín, có thể sẽ giảm được một phần nào đó hàm lượng các chất này.

 

Các nhà khoa học cảnh báo, sử dụng thường xuyên thực phẩm chứa hormon nói chung, đặc biệt là hormon hoá học tổng hợp sẽ gây những tác hại rất lớn cho con người. Bình thường, cơ thể con người tự tổng hợp được những hormon cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển. Khi những loại hormon này được đưa vào cơ thể quá thường xuyên qua đường ăn uống thì khả năng vốn có trên dần bị ức chế, đến lúc bị phá hỏng.

 

Ngoài các hormon tự nhiên, người ta đặc biệt lo ngại với các loại hormon tổng hợp như clenbuterol, các chất này giúp tăng trọng do kích thích sự phát triển, chuyển hoá, gây đột biến tế bào. Nếu người thường xuyên sử dụng thịt gia súc có hàm lượng với các chất trên có thể bị ngộ độc cấp với biểu hiện chóng mặt, khó thở, đau đầu, rung cơ, đau tim, choáng váng, tăng huyết áp và có khả năng gây ung thư. Đặc biệt, việc sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa hormon tăng trưởng cũng có thể gây biến đổi giới tính ở người như GS Nguyễn Tài Lương, Phó Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cảnh báo. 

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Thuốc từ quả