Thực phẩm cho người mang thai - Bổ mà không bổ

(Dân trí) - Để phục hồi sinh lực cho cơ thể người mẹ và bảo đảm nguồn sữa tốt cho bé, thực phẩm và đồ uống là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu. Nhưng ăn uống thế nào mới khoa học? Có phải cứ tẩm bổ thật nhiều là tốt?

1. Các loại thức ăn dễ gây dị ứng (sò biển, trai, ốc biển, cá biển, khoai tây…)

 

Đây là loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều canxi. Nhưng các nhà khoa học Mỹ khi nghiên cứu đã phát hiện có khoảng 50% loại thức ăn nêu trên gây dị ứng với cơ thể con người. Những thức ăn đó sau khi được tiêu hóa, sẽ theo cuống rốn vào trong tuần hoàn huyết dịch của thai nhi ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc gây tổn hại đến một cơ quan nào đó của thai nhi và làm cho thai nhi bị dị dạng hoặc bệnh tật. Người mẹ thì dễ bị sảy thai hoặc sinh non tháng.

 

2.Thức ăn có nhân sâm, nhung hươu

 

Trung y học lâu đời và khoa học hiện nay, nhân sâm, nhung hươu không bao giờ được sử dụng để bồi bổ hoặc chữa trị bệnh cho trẻ em trong bất kỳ trường hợp nào. Nguyên nhân là do nhân sâm, nhưng hươu có tác dụng kích thích mạnh tăng trưởng chức năng sinh dục. Những trẻ em ăn loại thực phẩm này, cơ thể sẽ sớm phát triển, ảnh hưởng lớn đến sự phát dục bình thường, gây hậu quả khó lường cho trẻ.

 

3. Kiêng ăn long nhãn

 

Ai cũng cho rằng long nhãn là loại thực phẩm bổ tâm phế, dưỡng huyết an thần, nhuận ngũ tạng. Phụ nữ mang thai thường có thân nhiệt cao, long nhãn lại có tính cam ôn (nóng). Nếu có thai mà ăn long nhãn sẽ tăng thêm nội nhiệt, nặng thì gây động huyết, động thai, dễ dẫn tới đẻ non. Vì vậy, trong suốt quá trình mang thai, phụ nữ không nên ăn loại thực phẩm này. Chỉ nên ăn sau khi mới sinh con, thân thể hư nhược, mệt mỏi.

 

4. Thuốc bổ

 

Nhiều phụ nữ khi mang thai hay nghe theo lời khuyên của những người khác (không phải hướng dẫn của bác sĩ), tự mua thuốc bổ uống (phần nhiều là các loại vitamin). Đây là một việc làm hoàn toàn sai lầm, gây tác hại lớn.

 

Thực ra, trong khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày của bà mẹ đã có đủ các loại vitamin cần thiết. Nếu uống thừa những loại thuốc này sẽ không có lợi cho thai nhi.

 

Ví dụ: người mẹ thừa vitamin C sẽ làm cho đứa trẻ khi ra đời dễ bị hoại huyết; người mẹ thừa vitamin B6 thì đứa trẻ sau này có thể bị chứng co giật; người mẹ thừa vitamin D thì trẻ dễ bị di hình khung xương... Do đó, phụ nữ khi mang thai chỉ được dùng thuốc bổ và các loại thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ.

 

5. Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ

 

Mỡ động vật là thực phẩm kiện não nhưng nếu ăn quá nhiều (hơn 100g/ tuần) thì sẽ làm giảm chức năng của gan và gây nhiễm mỡ trong máu.

 

Ngoài ra, thức ăn quay rán dưới nhiệt độ cao chứa đựng hàm lượng cholesteron rất cao không có lợi cho sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

 

6. Kiêng ăn gan động vật (lợn, bò…)

 

Theo các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu các bệnh tật bẩm sinh Tây Ban Nha và một số nhà khoa học Mỹ, hàm lượng vitamin A có trong gan của một con lợn khoảng 30.000 - 40.000 đơn vị (gấp 4 lần nhu cầu bình thường), mà vitamin A có khả năng gây dị dạng thai nhi rất mạnh.

 

Nếu người mẹ khi mang thai dùng quá lượng vitamin A cần thiết thì hàm lượng vitamin A thừa đó sẽ sinh ra các chứng khiếm khuyết bẩm sinh về cơ thể của thai nhi.

 

Hơn nữa, trong quá trình trao đổi chất và chuyển hoá thức ăn, gan là nơi lắng đọng nhiều chất độc, có tác hại lớn đối với người mẹ và thai nhi.

 

Trí Kiên

(Tổng hợp)

Dòng sự kiện: Mang thai