Thực hư việc rửa thịt gà trước khi nấu có thể gây chết người

Trên các trang mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin không nên rửa thịt gà trước khi luộc, nấu vì sẽ lây lan virut gây bệnh Campylobacter - một loại vi khuẩn có thể gây chết người.

Theo nghiên cứu của Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) tại nước Anh cho biết, thói quen rửa thịt gà trước khi nấu có thể khiến vi khuẩn Campylobacter có cơ hội lan rộng ra tay, các bề mặt, quần áo và dụng cụ nhà bếp do nước rửa thịt bắn ra ngoài. Các nhà khoa học cho biết, vi khuẩn Campylobacter gây bệnh cho khoảng 280.000 người Anh mỗi năm.

Vi khuẩn Campylobacter là nguyên nhân thường xuyên gây ra các ca ngộ độc thực phẩm ở Anh. Những người mắc bệnh sẽ hết trong vài ngày, nhưng có thể loại vi khuẩn này ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Vi khuẩn Campylobacter cũng có thể gây chết người, đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới năm tuổi và người già.

Thực hư việc này như thế nào?

Thịt gà cần phải rửa sạch rồi mới nấu và khi nấu cần đun kỹ để diệt vi khuẩn gây bệnh. Ảnh minh họa
Thịt gà cần phải rửa sạch rồi mới nấu và khi nấu cần đun kỹ để diệt vi khuẩn gây bệnh. Ảnh minh họa

Theo BS Doãn Thị Tường Vi – nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng BV 198, thông tin không nên rửa thịt gà trước khi luộc, nấu để tránh lây lan virut gây bệnh là không chính xác.

"Chắc một điều là sẽ không có ai khi mua thịt gà ở chợ về mà không rửa sạch sẽ lại rồi cho gà đó vào nồi để nấu nướng? Ai sẽ dám ăn loại thịt gà đó. Hầu hết thịt gà sơ chế như làm lông, mổ gà… thường được làm thủ công, môi trường không đảm bảo vệ sinh. Có nhiều chỗ làm thịt gà, họ chỉ cần một nồi nước sôi có thể nhúng nhiều con gà để làm sạch lông và làm sạch phủ tạng cũng do chính tay người sơ chế lông làm. Trong khi, sơ chế bằng dây chuyền công nghệ tập trung số lượng rất ít", BS Vi nói.

Gà được sơ chế trên dây chuyền công nghệ tập trung theo đúng tiêu chuẩn, được kiểm tra chặt chẽ khi xuất xưởng, người tiêu dùng có thể tin tưởng mà không cần rửa trước khi chế biến. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì dụng cụ dao thớt để chặt thái, sơ chế hay tẩm ướp vẫn phải rửa kỹ sau khi dùng.

Nên phân loại dụng cụ, dao thớt sống, chín riêng, tay người sơ chế gà phải rửa xà phòng sạch sẽ. Còn với loại thịt gà tự sơ chế vẫn cần phải rửa sạch rồi mới nấu và khi nấu cần đun kỹ để diệt vi khuẩn gây bệnh.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng đây là điều phi lý. Nếu không vệ sinh thực phẩm cẩn thận trước khi chế biến thì không đảm bảo vệ sinh và nguy cơ nhiễm nhiều loại khuẩn nguy hại hơn là rất dễ xảy ra.

Việc mắc bệnh vì vi khuẩn Campylobacter có thể xuất phát từ nguồn nước sinh hoạt, ăn phải động vật đã bị nhiễm khuẩn sẵn chứ không thể nằm ở việc rửa gà bằng nước. Bởi vậy, kể cả việc chúng ta tự tay thịt gà hay mua ở chợ, siêu thị vẫn phải rửa sạch dưới vòi nước chảy. Sau đó, dùng một ít muối sát vào thịt gà rồi sửa sạch bằng nước trước khi chế biến.

Các chuyên gia khuyến cáo, cũng như nhiều loại thịt tươi khác, thịt gà rất dễ hỏng và cần được xử lý cẩn thận trước khi chế biến. Việc xử lý, chế biến đúng cách sẽ giúp loại bỏ các nguy cơ nhiễm khuẩn. Dùng nước lạnh, muối để rửa sạch thịt gà cả trong lẫn ngoài, làm khô trước khi chế biến.

Để tránh nhiễm chéo vi khuẩn, mọi người lưu ý sau khi xử lý thịt gia cầm tươi cần làm sạch tất cả các bề mặt dụng cụ, thớt, dao và tay với nước nóng có xà phòng. Nên để dành riêng một loại thớt để dùng cho việc làm gà. Khi sơ chế nên dùng găng tay, thay tạp dề… Ngoài ra, mọi người cũng nên lưu ý sau khi luộc, nấu thịt gà hãy sử dụng càng sớm càng tốt, không nên để lâu gây ôi thiu dễ bị ngộ độc thực phẩm. Trường hợp chưa sử dụng ngay cần bảo quản trong tủ lạnh bằng cách đóng gói hoặc để hộp kín tại ngăn dưới cùng tủ lạnh, tránh để cùng ngăn với thức ăn chín khác trong tủ.

Theo H.My

Báo Gia đình & Xã hội