Thực hư bài thuốc đông y 10.000 đồng chữa được tai biến

“Bài thuốc này rất hay, đã nhiều người áp dụng. Xin post lên đây chia sẻ với quý vị dùng thang thuốc này để phòng chống tai biến mạch máu não”. Hàng loạt tờ rơi có nội dung tương tự cũng đã được phát tán tại TPHCM.

  

Thực hư bài thuốc đông y 10.000 đồng chữa được tai biến - 1


Chỉ đắp chứ không uống

 

Tại một nhà thuốc đông y ở quận 1, khi hỏi mua thang thuốc này, chúng tôi được bán một gói ni lông bột nhỏ màu vàng trộn đen, không ghi bất kỳ thông tin gì trên bao bì.

 

Nhân viên nhà thuốc cho biết hướng dẫn sử dụng có sẵn trên internet, cụ thể gói bột này gồm hạnh nhân, chi tử, đào nhân, khi về nghiền thêm 10 hạt tiêu, 10 hạt nếp, trộn chung.

 

Tối trước khi ngủ, trộn bột này với lòng trắng một quả trứng gà rồi dùng gạc bó vào lòng bàn chân. Nam bó bên trái, nữ bó bên phải. Sáng dậy thấy bàn chân ngả màu xanh là được. Một tuần hoặc hai tuần dùng một lần.

 

Tại quận 5, nhiều nhà thuốc đông y cũng bán thang thuốc này nhưng có chỗ là hàng thái lát chưa nghiền thành bột, giá chỉ 8.000 đồng. 

 

“Mổ xẻ” các thành phần

 

Theo DS Lê Kim Phụng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, tác dụng cụ thể của từng vị:

 

- Hạnh nhân: Có vị đắng, tính bình, quy kinh phế, tác dụng chỉ khái định suyễn, nhuận táo, tiêu đờm. Trong hạnh nhân có chứa hợp chất amygdalin. Khi bị dịch vị thủy phân, chất này sẽ phóng thích ra axit cyanhydric.

 

Ở nồng độ thấp, axit này có tác dụng làm giảm lượng tiêu hao oxy của tổ chức tế bào, ức chế việc chuyển hoá oxy ở động mạch chủ và động mạch cổ làm cho hô hấp sâu, tăng phản xạ, đờm dễ long, nhờ đó sẽ giảm ho.

 

Tuy nhiên, nếu dùng quá liều có thể dẫn đến bất tỉnh do thần kinh trung ương bị tổn thương gây đau đầu, buồn nôn, tim loạn nhịp. Thử dược lý thực nghiệm trên mèo, hạnh nhân có tác dụng hạ áp. Trên lâm sàng và theo kinh nghiệm dân gian, hạnh nhân được dùng chữa ho suyễn, viêm phế quản, táo bón (mỗi ngày 6-12 gr bóc vỏ, sao vàng, sắc uống), nhưng người tiêu chảy hay cảm lạnh thì được khuyến cáo là không nên dùng.

 

- Chi tử: Là trái dành dành chín, có vị đắng, tính hàn, quy kinh tâm, phế, can, đởm. Quả có chứa chất đắng là gardenin tác dụng thanh can giáng hỏa, lợi tiểu giải độc, chỉ huyết. Trong Đông y, người ta dùng chi tử để chữa viêm gan, vàng da, sốt cao mê sảng, tiểu ra máu, chảy máu cam. Tuy nhiên, người tỳ vị hư hàn hay tiêu chảy thì không nên dùng.

 

- Đào nhân: Là vị thuốc lấy từ nhân hạt của trái đào, vị đắng, tính bình quy kinh tâm, can, phế, tác dụng hoạt huyết khử ứ, nhuận trường, chỉ khái, được dùng chữa bế kinh, đau bụng kinh, chấn thương ứ huyết, ho, táo bón. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không được dùng vì có thể gây sẩy thai.

 

- Hạt tiêu: Vị cay, tính nóng, chứa nhiều loại tinh dầu và chất cay, ở liều thấp có tác dụng kích thích sự tiết dịch vị và kích thích hệ thần kinh, kháng khuẩn và diệt trùng, nên được dùng để bảo quản thức ăn.

 

Tiêu còn hay được dùng để chữa đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, vì tiêu là chất kích thích và gây xung huyết da và các tuyến nhờn nên khi dùng đắp ngoài da có thể gây bỏng rát, dùng liều cao có thể gây độc làm co giật và đái ra máu.

 

- Hạt nếp: Khoảng 10 hạt thì chỉ có tác dụng làm chất dính, chung với trứng gà.

 

Uống cũng không tác dụng

 

Bài thuốc nói trên được hướng dẫn dùng ngoài bằng cách bó vào lòng bàn chân đến sáng thì bỏ ra, chỉ làm một lần mà cho tác dụng không bị tai biến thì khó để tin được.

 

Hơn nữa, với các thành phần nói trên, nếu phối hợp thành bài thuốc thì qua phân tích từng vị ta đã thấy không có công dụng ngừa bệnh cao huyết áp hoặc tai biến mạch máu não, nếu có uống thì cũng không có tác dụng như thế chứ huống gì chỉ đắp ngoài da. Hơn nữa, với người huyết áp đang tăng thì bó thuốc vào lòng bàn chân như vậy có hạ được huyết áp không thì không thấy nói.

 

Nên biết bệnh cao huyết áp có nhiều nguyên nhân và nặng hay nhẹ tùy thuộc cơ địa của từng người, do cách ăn uống, sinh hoạt, lối sống, thái độ tinh thần, áp lực công việc…Và như vậy thì cũng sẽ có nhiều cách để chúng ta tự phòng bệnh. Chẳng hạn có nếp sống tập luyện điều độ kèm một chế độ dinh dưỡng phù hợp, dùng các loại rau, củ, quả tốt cho tim mạch như táo, mơ, nho, cà rốt, bông cải xanh, trà xanh…, hạn chế sử dụng các chất kích thích.

 

Trong y học cổ truyền cũng có bài thuốc chữa cao huyết áp rất tốt (phối hợp từ hoa hòe sao vàng 8g, mã đề 10g, rễ nhàu 12g, táo nhân sao đen 6g, cỏ xước 12g, sinh địa 10g), được cố giáo sư Bùi Chí Hiếu nghiên cứu nhiều năm và áp dụng hiệu quả trên lâm sàng hàng chục năm nay.

 

Tóm lại, việc sử dụng thuốc là rất quan trọng, nhất là với bệnh huyết áp, tim mạch. Thuốc là con dao 2 lưỡi nên cần phải được thầy thuốc hướng dẫn sử dụng, nếu tự ý dùng không đúng cách, không đúng liều, không đúng bệnh thì rất dễ xảy ra tai họa. 

 

Theo Người lao động