Thừa cân ở tuổi 13 gây hại gì?

(Dân trí) - Một nghiên cứu lớn tại Đan Mạch cho thấy trẻ ở tuổi 13 bị thừa cân sẽ có nguy cơ mắc đái tháo đường khi trưởng thành nhiều hơn những trẻ không tăng cân quá nhiều.

Thừa cân ở tuổi 13 gây hại gì? - 1

Đái tháo đường là hiện tượng cơ thể không thể sử dụng insulin hợp lý để biến thức ăn thành năng lượng. Thừa cân ở bất kỳ tuổi nào cũng có thể làm tăng cơ hội hình thành căn bệnh đái tháo đường typ 2. Nhưng cũng chưa rõ liệu nguy cơ này có giảm và giảm bao nhiêu khi giảm cân và vào thời điểm nào.

“Nghiên cứu này cho thấy dường như thừa cân ở tuổi vị thành niên đặc biệt có hại” và rằng việc ngăn ngừa tình trạng này có thể mang lại điều tốt đẹp”, TS. Stephen Daniels, bác sĩ Nhi, ĐH Y Colorado (Denver), đánh giá.

Ông không có vai trò gì trong nghiên cứu do các nhà khoa học ĐH Copenhagen, do Liên minh châu Âu tài trợ, thực hiện và công bố trên tờ New England Journal of Medicine vào hôm thứ Tư vừa qua (4/4).

Đã có 62.565 nam giới sống ở Đan Mạch, nơi có các cuộc kiểm tra sức khỏe tại trường học và quân đội định kỳ giúp theo dõi sức khỏe của họ trong nhiều thập kỷ. Chiều cao và cân nặng đo được khi họ 7 tuổi, 13 tuổi, và giữa 17 – 26 tuổi. Các hồ sơ sức khỏe quốc gia đã cho biết có bao nhiêu người mắc bệnh đái tháo đường khi trưởng thành.

Những nam giới thừa cân ở tuổi lên 7 nhưng không phải ở tuổi 13 sẽ có tỉ lệ đái tháo đường khi lớn lên tương tự như những nam giới chưa bao giờ thừa cân.

Những người thừa cân chỉ ở tuổi 13, hay chỉ ở tuổi 7 và 13 có nguy cơ thấp hơn so với những trẻ thừa cân trong suốt giai đoạn thơ ấu nhưng cao hơn so với những trẻ chưa bao giờ thừa cân.

"Những kết quả này mở ra hy vọng rằng cha mẹ hoàn toàn có thể ngăn ngừa đái tháo đường trong tương lai của con mình bằng cách duy trì một cân nặng khỏe mạnh”, Steven Gortmaker, nhà nghiên cứu về béo phì ở trường Y tế cộng đồng Harvard nói.

Tại sao câng nặng của tuổi teen lại liên quan với nguy cơ đái tháo đường?

“Ở tuổi niên thiếu, cơ thể sẽ trở nên dễ kháng insulin hơn, chỉ là một phần tự nhiên của giai đoạn dậy thì", Daniels giải thích.

Các cơ và nội tạng không dùng insulin tốt như trước đó vì vậy cơ thể sẽ phải làm việc nhiều hơn để làm tốt vai trò này.

Nghiên cứu này có nhiều hạn chế, đó là chỉ trên nam giới, không có thông tin về cân nặng khi trưởng thành và khi có bệnh đái tháo đường.

Nếu như ở Đan Mạch chỉ có 5-8% trẻ em hay thiếu niên bị béo phì thì tại Mỹ, tỉ lệ này là 35% và trên thế giới trung bình là 23%.

Nhân Hà

Theo AP