Thu tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và chi phí quản lý 3 loại bảo hiểm này.

Theo đó, cơ quan BHXH được giao nhiệm vụ thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đối tượng và chuyển về BHXH Việt Nam để quản lý theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Riêng với tiền thu BHYT của các đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý thì hai đơn vị này có trách nhiệm quản lý, sử dụng cho việc khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.

Quy định này cũng nêu rõ, với những trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Khi nhận được tiền đóng của người sử dụng lao động, cơ quan BHXH trực tiếp quản lý người tham gia thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, kể cả tiền lãi chậm đóng đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật (nếu có). Số tiền còn lại, hạch toán thu theo thứ tự sau đây: Thu đủ số tiền phải đóng BHYT và tiền lãi chậm đóng BHYT (nếu có); thu đủ số tiền phải đóng BHTN và tiền lãi chậm đóng BHTN (nếu có); thu tiền đóng BHXH và tiền lãi chậm đóng BHXH (nếu có).

Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Để thực hiện quy định này, trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 1 hằng năm, BHXH Việt Nam phải có văn bản thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân gửi cơ quan BHXH trực thuộc, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện.

Tú Anh