Thói quen lúc bé làm hại khi lớn

(Dân trí) – Ngoài yếu tố di truyền, các nhà nghiên cứu đã liệt kê một số thói quen xấu làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất của bé sau này. Hãy quan sát và giúp bé khắc phục nhé.

Mút ngón tay

 

Hay gặp ở những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc, gần gũi của bố mẹ.

 

Hành vi này sẽ khiến răng cửa hàm trên bị đẩy ra phía sau (về phía lưỡi) gây hở khớp cắn.

 

Mút núm vú cao su quá nhiều

 

Thói quen này khiến xương hàm trên và răng cửa trên có chiều hướng nhô ra, gây vẩu. Nó cũng khiến trẻ thường bị no hơi và không giữ được vệ sinh răng miệng (do núm vú không được đảm bảo vô trùng).

 

Đưa lưỡi ra phía trước, giữa hai hàm răng

 

Cũng gây vẩu và thưa răng

 

Thở bằng miệng

 

Thường gặp ở những đứa trẻ có vấn đề về đường hô hấp trên, gây khó thở như viêm mũi, polip, vẹo vách mũi, sưng amidan. Cách thở này khiến trẻ bị viêm họng và cũng dễ bị vẩu.

 

Nhai cơm chỉ với một bên hàm

 

Có nhiều nguyên nhân và hy gặp nhất là do sâu răng. Việc nhai một bên này nếu kéo dài lâu ngày khiến cho một bên răng mòn nhanh, còn răng bên không nhai bị đóng vôi tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở dẫn đến bệnh nha chu.

 

Hơn nữa xương hàm và cơ mặt bên nhai cũng sẽ phát triển nhiều hơn bên nhai gây lệnh mặt. Ngoài ra, thói quen này cũng khiến khớp thái dương- khớp hàm không đều hai bên dẫn đến sai khớp.

 

Một số gợi ý nhằm khắc phục những thói quen gây hại cho trẻ.

 

Trong trường hợp trẻ thường thở bằng miệng hãy đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân gây bệnh lý ở đường hô hấp và điều trị triệt để. Sau đó tập cho trẻ thở triệt để bằng mũi bằng cách lựa khi trẻ đi ngủ thì nâng cằm lên một lát để hai môi khép sát nhau.

 

Với tật ngậm núm vú quá nhiều nên tìm mọi cách để trẻ quên dần đi rồi bỏ hẳn chẳng hạn bôi chút dầu gió hay tí chút thuốc đắng vào đầu núm vú khiến trẻ sợ.

 

Nếu trẻ hay mút ngón tay, cách khắc phục tốt nhất là hãy cho trẻ tiếp xúc nhiều với bạn bè, để trẻ chơi với nhiều đồ chơi hoặc cố gắng gần gũi bé hơn để trẻ không cảm thấy cô đơn.

 

Gặp trường hợp trẻ hay đưa lưỡi ra phía trước cần hướng dẫn trẻ đặt lưỡi đúng vị trí hoặc đứa đến các bác sĩ nha khoa để được hướng dẫn cách khắc phục.

 

Phạm Thanh