Thói quen… hại khớp

(Dân trí) - Những thói quen tưởng như không ảnh hưởng gì tới khớp nhưng thực chất lại là những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng bệnh viêm khớp đang ngày càng gia tăng.

Mang vác nặng sai tư thế

 

Chị Nguyễn Thị Linh cúi xuống, bê cả thùng cacton nặng hoa quả, vừa nhấc lên khỏi mặt đất thì chị thấy đau nhói ở lưng, không thể đứng thẳng lên được nữa. Đến viện, bác sĩ kết luận chị bị chấn thương đốt sống lưng, sẽ phải nằm bất động điều trị vài tháng…

 

Theo GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam, những trường hợp bị chấn thương cột sống do bê vác nặng sai tư thế như bệnh nhân trên không phải là hiếm.

 

Không chỉ bê vác nặng, mà nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng xấu tới xương khớp, như tư thế ngồi gây cong vẹo cột sống, tập thể dục không đúng cách gây thoái hoá khớp, trật khớp…

 

Vậy nên khi bê vác các vật nặng, tuyệt đối không vác ở tư thế đang đứng thẳng người, cúi lưng xuống và nhấc vật nặng mà hãy ngồi xuống, dùng cả hai tay nâng vật nặng lên.

 

Đi bộ quá nhiều

 

Việc tập thể dục thể thao vốn rất tốt cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, thế nhưng khi tập với cường độ quá lớn, sai kỹ thuật thì lại để lại những hậu quả khôn lường về xương khớp.

 

Theo GS Ân, đi bộ là một môn thể dục rất đơn giản, phù hợp với nhiều người, có tác dụng tăng cường sự vận động của khớp, giảm độ cứng của khớp thế nhưng nếu đi bộ không đúng phương pháp, đi bộ quá nhiều sẽ có nguy cơ thoái hoá khớp gối. Điều đáng nói là nhiều người nghĩ đi bộ càng nhiều càng tốt cho sức khỏe.

 

GS Ân khuyên những người chọn môn thể dục đi bộ nên căn cứ vào độ tuổi, tình trạng sức khoẻ của mình để xem nên đi bộ bao nhiêu một ngày là đủ. Trung bình, một người mỗi ngày chỉ đi bộ từ 30 - 45 phút/ngày. Khi đi bộ, cần chú ý bước nhanh, vung tay mạnh mẽ… để khớp tiết ra nhiều chất nhờn, giúp giảm độ cứng của khớp, giảm được nguy cơ đau khớp.

 

Nhìn chung, khi tập các môn thể dục, thể thao cần tập có bài bản, phù hợp với tuổi tác, tình trạng sức khoẻ. Cần có chế độ luyện tập thường xuyên từ thấp đến cao và có thời gian khởi động phù hợp.

 

Dinh dưỡng bất hợp lý

 

GS Trần Ngọc Ân khẳng định, những người béo phì, thừa cân thường hay gặp các vấn đề về sức khoẻ xương khớp hơn so với những người có trọng lượng cân đối. Vì khi cơ thể quá nặng, cột sống, các khớp phải chịu một trọng tải lớn chèn ép nặng, lâu ngày có thể gây tổn thương.

 

Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân bị viêm khớp, đau, sưng các khớp đều là những người béo phì, thừa cân. Lúc này, để điều trị hiệu quả, ngoài việc dùng thuốc, việc vận động, giảm cân là một phương pháp bắt buộc.

 

Để có một sức khoẻ tốt, cần giữ trọng lượng cơ thể cân đối. Trong bữa ăn hàng ngày cần cân bằng các nhóm dinh dưỡng, hạn chế chất béo, ngọt, đồ uống có cồn, gas và tăng cường rau xanh, trái cây tươi.

 

Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày, mọi người cần giữ tư thế ngồi thẳng lưng, không nên ngồi quá lâu. Tránh đi giày cao gót để giảm dồn trọng lượng lên cột sống. Tránh nằm đệm quá mềm vì có thể làm cong vẹo cột sống , không nên nằm gối quá cao…

Hồng Hải