Thoát khỏi ác mộng

Ác mộng có nhiều dạng khác nhau và không đơn giản như bạn nghĩ. Hãy cố gắng kiểm soát và ngăn chặn nó để tìm lại giấc ngủ bình yên.

Giấc mơ là một phần đời sống của mỗi người. Với khoảng 1/3 thời gian mỗi ngày dành cho việc ngủ, một giấc mơ xấu hoặc tốt đều ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe của bạn. Đặc biệt, những cơn ác mộng luôn khiến bạn lo lắng và mệt mỏi.

 

Ác mộng có nhiều dạng khác nhau

 

Theo thống kê, 25% trong số những người trưởng thành thường gặp ác mộng ít nhất mỗi tháng một lần. Trong số đó, khoảng 7 - 8% người cho biết ác mộng đã phá vỡ giấc ngủ của họ tối thiểu một tuần một lần. Rõ ràng ác mộng không phải là trò vui như việc xem phim kinh dị hay hóa trang thành ma cà rồng.

 

Ác mộng thường được chia thành hai dạng. Dạng thứ nhất là ác mộng lặp đi lặp lại nhiều lần với cùng một cảnh giống nhau. Tường Vy, 25 tuổi, kế toán viên cho biết: "Tôi gặp ác mộng khoảng một tháng một lần với nội dung giống hệt nhau. Tôi mơ thấy mình đang đi trên cầu thang hoặc trên đường và rồi tự dưng bị hụt chân. Tôi đạp mạnh để đứng lên và giật mình thức giấc trong tình cảnh chân đang đạp liên hồi".

 

Không như Tường Vy, những người khác lại gặp ác mộng mỗi lần một kiểu khác nhau. Chưa có con số thống kê chính xác dạng ác mộng nào phổ biến hơn. Tuy nhiên, những cơn ác mộng khiến người mơ thức giấc giữa chừng đều được xếp vào dạng nặng và cần sớm được điều trị.

 

Nguyên nhân gây ra những cơn ác mộng

 

Theo các nhà tâm lý, giấc mơ là một phần hiện thực của cuộc sống phản ánh vào giấc ngủ. Đôi khi, nó phản ánh những ước mơ, khao khát và hy vọng của con người. Nhưng cũng có khi, nó tái hiện lại những nỗi sợ hãi, mặc cảm hoặc các chấn thương tinh thần từng xảy ra trong quá khứ. Đó chính là nguyên nhân của những cơn ác mộng.

 

Với những ai phải chịu đựng những cơn khủng hoảng về mặt tinh thần do sự đau buồn gây ra, cơn ác mộng của họ có khuynh hướng hồi tưởng lại nguyên vẹn nỗi sợ hãi về cảnh tượng buồn đó. Chẳng hạn như cảnh cháy nhà, cảnh đám tang...Các chuyên gia tâm lý cho rằng một phần nguyên nhân cũng vì họ đang đấu tranh để vượt qua những tổn thương dữ dội. Một cách vô thức, bộ não "phát" lại những cảnh tượng không mong muốn nhiều lần để tập làm quen và tăng cường "sức đề kháng".

 

Bên cạnh đó, ám ảnh cũng là nguyên nhân nảy sinh ác mộng. Như Tường Vy, ngày bé từng bị trượt ngã, ngất xỉu và phải nhập viện. Vì vậy, khi lớn lên, dù vết thương đã lành, cô vẫn hay mơ thấy mình bị hụt chân. Với những cô gái từng bị người yêu phản bội, họ cũng hay mơ thấy ác mộng tương tự dù nhân vật trong giấc mơ không phải người từng phản bội họ.

 

Ngoài ra, những nỗi sợ hãi cũng làm nảy sinh ác mộng. Thùy Lam, 27 tuổi, từng trải qua nhiều cơn ác mộng khủng khiếp về những người luôn có đuổi bắt và hành hạ cô. Nguyên nhân là do mối quan hệ giữa Thùy Lam và mẹ. Là một người khắc nghiệt, mẹ Thùy Lam thường xuyên nặng lời xúc phạm và đánh đập cô. Khi Thùy Lam trưởng thành và ra ở riêng, bà vẫn giữ thái độ hằn học mỗi khi tiếp xúc với con gái. Những tổn thương và sợ hãi này đã khiến Thùy Lam gặp ác mộng.

 

Tác hại của những giấc mơ không mong chờ

 

Thuộc dạng giấc mơ phức tạp, ác mộng thường khiến người mơ lo lắng và sợ hãi tột độ, ngay cả khi đã tỉnh giấc. Mức độ lo lắng và sợ hãi tùy thuộc vào tình trạng của cơn ác mộng.

 

Tường Vy cảm thấy rất bức bối bởi giấc mơ hụt chân nhưng lại đang dần quen với nó. Nội dung ác mộng không quá khiếp sợ nên cô không cần phải thoát khỏi nó bằng mọi cách, ngược lại, với những ác mộng đáng sợ như cảnh cháy nhà, giết người...các nạn nhân thường rất khổ sở, thậm chí sợ cả đi ngủ...

 

Các sự kiện gây tổn thương tinh thần cứ lặp lại trong giấc mơ khiến người mơ không sao quên được những việc đau buồn. Họ buộc phải nhớ lại những sự việc ấy và chịu tổn thương nặng nề hơn.

 

Ngoài ra, việc tỉnh giấc giữa đêm thường khiến người mơ mệt mỏi và cả ngày luôn nghĩ đến nó. Nỗi lo có thể dẫn đến trầm cảm và gây ra nhiều cơn ác mộng về đêm hơn. Đó là một vòng lẩn quẩn mà nhiều người chưa phá vỡ được.

 

Đặc biệt, với những cơn ác mộng phát sinh bởi các quan hệ xấu, giấc mơ cùng khiến mối quan hệ ngoài đời thật trở nên tồi tệ hơn. Sau gần một tháng mất ngủ vì gặp ác mộng và phải dùng thuốc ngủ, Thúy Lam đã không gặp mẹ suốt một năm trời. "Rất nhiều lần, tôi óan trách bà vì bà không buông tha tôi, ngay cả trong giấc ngủ", cô tâm sự.

 

Các phương pháp điều trị ác mộng hiểu quả

 

Ác mộng tuy đáng sợ nhưng hoàn toàn có thể chữa trị được. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả, bạn cần phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra ác mộng để xóa sổ chúng vĩnh viễn.

 

Trước đây, các bác sĩ chuyen khoa thường động viên bệnh nhân kể lại những cơn ác mộng của họ. Kết hợp với các dữ liệu ngoài đời thật, họ giải mã nguyên nhân của các cơn ác mộng để tìm cách xua đuổi chúng hiệu quả.

 

Ngày nay, khoa học đã tìm ra một phương pháp mới đơn giản hơn. Bạn có thể tự thực hiện để điều trị cho mình. Đó là viết lại giấc mơ và thay đổi một phần. Nói một cách đơn giản, bạn tự tạo ra một kết thúc, biến ác mộng thành giấc mơ đẹp. Ác mộng sẽ thay đổi và dần dần biến mất.

 

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 70% người thử phương pháp này phản hồi kết quả rất tích cực. Một bệnh nhân mơ thấy mình bị cá mập tấn công. Họ viết lại giấc mơ và thay đổi cá mập thành cá heo. Khi gặp lại ác mộng trong giấc ngủ, nhưng con cá mập cũng đổi thành cá heo.

 

Cách điều trị này mất tự 2 đến 3 buổi viết lại giấc mơ và có thể áp dụng đối với trẻ em. Tuy nhiên, bạn không nên nghĩ về ác mộng quá nhiều lần trong ngày đễ tránh bị phản tác dụng. Tốt nhất, chỉ nên nghĩ về nó một lần, sau đó viết lai và thay đổi một phần.

 

Với những cơn ác mộng xuất phát từ các mối quan hệ, cách tốt nhất là thông cảm và cố gắng hàn gắn tình cảm. Ngoài ra, bạn không nên suy nghĩ hoặc ăn quá nhiều trước khi đi ngủ để tránh gặp ác mộng.

 

Nếu thường xuyện bị tỉnh giấc sau khi gặp ác mộng, mắc chứng mất ngủ hay sợ hãi khi ngủ, bạn nên chữa trị càng sơm càng tốt.

 

Theo Hạ Mi

Phong cách