Thịt ướp hoá chất, cả tuần không thiu

Phòng giá đầu vào tăng, nhiều quầy thịt ém hàng từ 24 âm lịch để tung ra bán... sau Tết. Chẳng cần tủ lạnh, gà mổ sẵn, thịt bò, thịt lợn đã pha thành tảng vẫn se mặt đỏ hồng, không bốc mùi lạ dù để cả tuần. Nhưng khi thái ra, thịt chuyển màu thâm, chảy nước.

Bảo quản thịt bằng phân đạm?

 

27 Tết, bà Dương (ở Trần Duy Hưng, Hà Nội) đi chợ Trung Hoà mua 2kg thịt lợn về gói bánh chưng. Tảng thịt bà hàng xẻ ra tươi hồng, nhưng khi được mang về, thái thành nhiều miếng bằng bàn tay, lại trở màu thâm và chảy nước. Bà Dương ngửi kỹ từng miếng thịt, không thấy mùi lạ nên yên tâm ướp gia vị làm nhân bánh chưng.

 

Qua điện thoại, bà Dương than phiền với bạn về miếng thịt bánh chưng không được ngon, thì bà bạn (ở sát chợ Mơ, cách nhà bà Dương cả chục cây số) cũng kêu thịt khi mua thì trông rất tươi nhưng bị chảy nước sau khi thái miếng. Các bà đổ tại trời nồm, và giục giã con cháu nhanh tay gói bánh, xào giò.
 

Chị V. - bán cá ở chợ Ngọc Hà thì tiết lộ, đây có thể là loại thịt được các bà hàng “ém” cả tuần từ khi lò mổ chưa tăng giá, rồi tung ra bán sát Tết để tăng lời. Ai cũng phải trữ hàng, thậm chí trữ ra Giêng, bởi các lò mổ đồng loạt nghỉ từ 29 đến mồng 7 Tết.

 

Để trữ hàng cho cả tuần, các bà hàng không có tủ đá (hoặc không muốn dùng tủ đá do sợ thịt... hỏng màu) thường trông cậy vào một loại bột trắng, gọi là săm-pết. Chỉ vài thìa canh pha nước lã, phết lên mặt ngoài của các tảng thịt, để trong kho thoáng mát, đảm bảo giữ màu, không ôi, không bốc mùi lạ suốt tuần.

 

Không chỉ thịt bò, lợn, gà, hàng tươi sống như tôm, cá, mực cũng được các bà hàng ngâm săm-pết để chống thối qua đêm. Nhất là những ngày đầu năm, khi mà nhà nhà đã ngấy ngán thịt, lao đi tìm thuỷ hải sản để nấu lẩu.

 

Túi săm-pết chị V. đưa cho chúng tôi là một túi nilon bột trắng tự đóng gói, người bán ghi chữ “Spết”. Chị V. bảo, hàng khô có cả chục loại bột phụ gia tự đóng gói để dưới gầm quầy, phải viết như vậy để tránh nhầm lẫn. Bột săm-pết được chia nhỏ từ bao lớn, nặng 20 hoặc 50kg, cũng không in chữ nghĩa gì. Giá bán ra rất rẻ, ngày thường 17.000 đồng/kg, sát Tết 20.000 đồng/kg.
 
Thịt ướp hoá chất, cả tuần không thiu - 1

Nhờ túi bột săm-pết này, tiểu thương như chị V. yên tâm
 “ém” hàng ra Giêng bán (Ảnh: VNN)

 

Phụ gia hay thuốc độc

 

Về thứ bột trắng mà các bà hàng dùng để bảo quản thịt tươi sống, TS. Nguyễn Xuân Lãng (Phòng Phân tích và môi trường - Phòng Thí nghiệm trọng điểm, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, cho biết, đây có thể là một phụ gia có thành phần là Kalinitrat - chất giúp thịt động vật giữ màu hồng tươi, vài ngày ở nhiệt độ thường cũng không có mùi lạ. Lạp xường cũng có màu đỏ tươi và lâu hỏng nhờ chất này.

 

Tuy nhiên, Kalinitrat đồng thời là chất chuyên dùng trong sản xuất phân bón, rất độc với người và có khả năng gây ung thư nếu ăn thường xuyên.

 

Kalinitrat chỉ là một trong nhiều hoá chất công nghiệp được vô tình hoặc cố ý sử dụng như một nguyên liệu sản xuất, bảo quản thực phẩm, do rẻ hơn hàng trăm lần so với chất phụ gia thực phẩm cùng tính chất, giúp giảm đáng kể giá thành sản phẩm.

 

Vì vậy, thị trường nước ta lưu hành song song những phụ gia có tính chất tương tự chất phụ gia trong danh mục được Bộ Y tế cho phép, nhưng bị cấm sử dụng cho thực phẩm, do ảnh hưởng sức khoẻ, thậm chí kịch độc với người dùng.

 

Để kẹo giòn lâu sau khi mở bao bì, người sản xuất thiếu hiểu biết có thể trộn một lượng nhỏ bột Cacbonnat canxi (bột đá vôi dùng trong công nghiệp). Để làm dấm ăn, có thể dùng nguyên liệu “phụ” có tên Axit acetic, tuy nhiên khó ai mà biết nhà sản xuất dùng loại nào: phụ gia thực phẩm hay chất dùng trong công nghiệp, chứa hàm lượng kim loại nặng lớn, thường được sử dụng để chế biến cao su. Giò chả để ngon, giòn hơn, đã có hàn the; mứt, bún, phở đẹp và lâu hỏng nhờ formon và các chất tẩy trắng.

 

Người ăn cũng nên cảnh giác cả bánh chưng để ngoài trời nồm vài hôm mà không hỏng, và có màu xanh tươi mướt mắt không loại lá dong nào có thể mang lại.

 

Để bảo vệ sức khoẻ và mạng sống của người tiêu dùng, TS Lãng cho rằng phải chặn ngay từ đầu nguồn các chất nguy hiểm đội lốt phụ gia thực phẩm, khi chúng còn là đơn chất (dễ phân tích), không đợi đến khi phải phát hiện chúng trong 1 hợp chất (sản phẩm tiêu dùng), thường rất khó khăn.

 

Theo Quảng Hạnh
VietNamNet