Thịt “nuôi cấy”: Chay hay mặn?

(Dân trí) - Mới đây, thông tin Trung Quốc hợp đồng mua thịt nuôi cấy phòng thí nghiệm của Israel với hợp đồng trị giá 300 triệu đô làm nóng dư luận. Thịt nuôi cấy là loại gì? Cách sản xuất ra sao? Dùng loại thịt nhân tạo này là thức ăn chay hay mặn?

Thịt “nuôi cấy”: Chay hay mặn? - 1

Thế nào là thịt “nuôi cấy”?

Thịt nuôi cấy tế bào (cell-cultured meat), còn có các tên khác là thịt ống nghiệm (in vitro meat), thịt phòng thí nghiệm (lab-grown meat), thịt tổng hợp (synthetic meat), là một loại thịt nhân tạo sản sinh bằng cách nuôi cấy các tế bào cơ bắp trong một dung dịch huyết thanh dinh dưỡng và phát triển thành dạng miếng thịt như bắp cơ động vật.

Với phương cách tương tự, các nhà khoa học cũng có thể tạo ra các sản phẩm động vật như sữa nhân tạo hoặc lòng trắng trứng không từ trứng bằng cách nuôi những con nấm men được biến đổi gen di truyền để tạo ra các protein tương ứng sau đó được chiết xuất và trộn với đúng hàm lượng trong sữa hoặc trứng thật.

Với nền 'nông nghiệp tế bào' này các nhà khoa học đầy đủ cơ sở để hy vọng có thể tạo ra những loại thịt nhân tạo khác nhau nhưng đều tốt phù hợp với tình trạng sức khỏe, căn bệnh và thậm chí tạo ra thịt của những con vật quý hiếm, đã tuyệt chủng để thưởng thức “cho biết” mùi vị thế nào.

Lịch sử và cách sản xuất thịt tổng hợp

Nhiều nhà khoa học cho rằng, Thủ tướng Anh Winston Churchill là người gợi ý việc sản xuất thịt tổng hợp vào năm 1931 qua phát biểu đi trước thời đại: "Chúng ta sẽ bỏ được sự vô lý khi phải nuôi cả con gà chỉ để ăn một mình cặp đùi, cái ức, bằng cách chỉ nuôi những bộ phận này một cách riêng biệt trong một môi trường phù hợp".

Những mốc thời gian phát triển thịt nuôi cấy như sau: Năm 1971, Russel Ross đã lần đầu tiên nuôi cấy sợi cơ trong ống nghiệm. Năm 1990, việc nuôi cấy tế bào gốc động vật bắt đầu, và năm 2001, Cơ quan Quản trị Hàng không Không gian NASA (Mỹ) đã tiến hành các thí nghiệm sản xuất thịt gà tây nuôi cấy để dùng cho các phi hành gia. Năm 2002, Hiệp hội nghiên cứu sinh học ứng dụng NSR/Touro phát triển nuôi cấy những món cá tổng hợp.

Năm 1998, Jon F. Vein, Hoa Kỳ nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, để sản xuất thịt tổng hợp để chế biến món ăn cho người. Năm 2001, bác sĩ Wiete Westerhof, bác sĩ Willem van Eelen và doanh nhân Willem van Kooten tuyên bố họ đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế trên toàn thế giới về quy trình sản xuất thịt được nuôi cấy. Năm 2003, Oron Catts và Ionat Zurr, ĐH Harvard đã trình bày miếng "bít tết" nuôi cấy từ tế bào ếch.

Năm 2005, bài báo đầu tiên về chủ đề thịt lợn nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đăng trên tạp chí Công nghệ mô tế bào (Tissue Engineering). Năm 2008, Hiệp hội Thịt In Vitro phối hợp Viện Nghiên cứu Thực phẩm Na Uy tổ chức hội thảo quốc tế lần đầu tiên về sản xuất thịt nuôi cấy. Năm 2009, tạp chí Time tuyên bố sản xuất thịt nuôi trồng là một trong 50 ý tưởng đột phá của năm. Tính đến năm 2012, có đến 30 phòng thí nghiệm nổi tiếng trên thế giới thông báo đang nghiên cứu về nuôi thịt.

Việc nuôi tế bào để sản sinh ra thịt tổng hợp cũng rất đơn giản, theo đúng phương pháp nuôi cấy tế bào đã áp dụng cả trăm năm qua. Đầu tiên, các tế bào 'vệ tinh' lấy từ cơ gốc của động vật sống. Khi được nuôi với huyết thanh giàu dinh dưỡng, các tế bào gốc có thể biến thành các tế bào khác nhau của cơ, với tốc độ rất nhanh, gấp đôi số lượng trong vài ngày. Sau khi nhân lên, các tế bào cơ được cho thành các dải, giống như sợi trong thớ cơ động vật sống. Cuối cùng khi đã đủ kích cỡ và hàm lượng protein cần thiết, chúng sẽ được thu hoạch và đem đi chế biến món ăn

Thịt “nuôi cấy”: Chay hay mặn? - 2

Thịt nuôi cấy: chay hay mặn?

Vì được sản xuất từ gốc là các tế bào động vật, nên nhóm bảo vệ quyền động vật hoan nghênh: tránh giết mổ, tàn sát súc vật nuôi….

Nhưng một số người ăn chay, đặc biệt nhóm ăn chay tuyệt đối kinh điển (vegans) lại chống đối vì cho là đây là loại thịt phát triển từ nuôi cấy bắp cơ con vật nên vô hình trung dùng các món ăn có thịt nuôi cấy tổng hợp cũng là ăn thịt động vật, là sát sinh.

Theo lý thuyết Phật giáo, sinh vật (chúng sinh) chia ra hai loại là chúng sinh hữu tình (động vật) và chúng sinh vô tình (thực vật). Người tu hành, người theo theo đạo, Phật tử, cần tránh, hạn chế sát sinh đặc biệt là giết mổ động vật để tránh đau đớn cho con vật, vì chúng cũng có cảm tính như con người. Ngay cả thực vật, chúng cũng có sự sống cho nên chúng ta cũng chỉ phải “giết” cây cỏ đúng với nhu cầu thức ăn cần thiết, tránh vô cớ “chặt cây phá cối” như kinh kệ đã ghi.

Chiếu theo lý thuyết “chúng sinh” của Phật giáo này, thịt nuôi cấy tế bào hoàn toàn là loại chúng sinh “vô tình”, không cảm giác, không tình cảm, giống hoàn toàn tế bào thực vật, nên đây đúng là món ăn chay thuần túy.

Thật ra, việc ăn chay cũng có nhiều lý thuyết, lệ luật khác nhau: (1) Phật giáo nguyên thủy (Bắc tông) cho rằng sự giải thoát con người bắt nguồn từ nơi thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, chứ không phải do vấn đề ăn, do đó Phật không đặt nặng vấn đề ăn chay hay ăn mặn. Theo Phật giáo khất thực là thể hiện "ăn để sống mà hành đạo", do đó khi đi khất thực được gì thì cứ ăn thức đó, (2) Một số Phật tử Nam tông ở Srilanca, Myanmar, Thái Lan, Campuchia.. cho rằng người tu hành không tự mình sát sinh, không khích lệ sát sanh, và không vô cớ sát sanh là không phạm giới sát sinh; (3) Gần 90% dân Myanmar theo đạo Phật, nhưng chỉ trừ những ngày đi khất thực, họ ăn hoàn toàn những thức ăn thông thường và không ăn chay. Các sư không ở chùa mà ở thiền viện, buổi sáng hằng ngày đi khất thực, không ăn chay và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước trưa, sau 12h trưa đến sáng hôm sau tuyệt đối không được ăn.

Thay lời kết

Cũng như thịt thực vật (plant-based meat), thịt nuôi cấy (cell-cultured meat) cũng là những thực phẩm “trí tuệ” thời công nghệ 3.0. Nhờ những kiến thức khoa học tân tiến, các công kỹ nghệ gia thực phẩm đã cung cấp cho chúng ta những món thịt sạch, hợp theo những yêu cầu dinh dưỡng, sức khỏe, có thể dùng cho tất cả mọi người, cho cả hai giới ăn mặn lẫn ăn chay….

Thịt nuôi cấy cũng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sống. Theo tính toán của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, việc chăn nuôi gia súc theo kiểu cách truyền thống đòi hỏi tốn kém rất nhiều tài nguyên như đất đai, nguồn nước.., đốt rất nhiều nhiên liệu củi than, hóa thạch, nên chăn nuôi kiểu cũ này sẽ làm cạn kiệt tài nguyên môi trường nhanh. Hơn nữa, chăn nuôi truyền thống cũng gây phát thải khá nhiều khí nhà kính ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Do đó, trên góc nhìn vĩ mô, WHO nhận định việc triển khai nền “nông nghiệp tế bào”, thịt nuôi cấy nhân tạo, sẽ có tác động rất tích cực và vô cùng to lớn để cải thiện môi trường sống của con người trên trái đất vốn đang ô nhiễm trầm trọng.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM