Thiếu trầm trọng nhóm máu “phổ thông”

(Dân trí) - Nhóm máu O là nhóm máu “phổ thông” nhất với khoảng gần 50% dân số Việt Nam mang nhóm máu này. Tuy nhiên trong công tác điều trị, 2 tháng trở lại đây lại thiếu trầm trọng nhóm màu này.

Thiếu trầm trọng nhóm máu “phổ thông”

Bị chửa ngoài tử cung đã vỡ, chị N.T.H (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) buộc phải mổ mở, mất hơn 1 lít máu đông trong ổ bụng. Đến ngày thứ 5 sau mổ chị vẫn không thể xuất viện vì cứ ngồi dậy là chóng mặt, ngã vật xuống. Bác sĩ cũng đã chỉ định phải truyền máu cho chị, nhưng chị vẫn phải đợi bởi nhóm máu O mà chị cần luôn trong tình trạng cạn kho.

Tình trạng thiếu máu nhóm O không chỉ diễn ra cục bộ ở một vài bệnh viện, mà hai tháng trở lại đây, hiện tượng khan hiếm nhóm máu “phổ thông” này rất phổ biến.

Tại Viện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, “kho máu” lớn nhất cả nước, mỗi tháng tiếp nhận từ 12.000 -– 14.000 đơn vị máu mỗi tháng, trong số đó chỉ khoảng 35% (thậm chí có những ngày chỉ ở mức dưới 30%) là nhóm máu O.

Giải thích về tình trạng thiếu máu nhóm O, GS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu T.Ư trung ương cho biết: “Nhóm máu O là nhóm máu phổ thông nhất, với khoảng 45 - 46% dân số Việt Nam mang nhóm máu này. Chính vì phổ biến, nên tỉ lệ người đau ốm trong cộng đồng có nhóm máu O cũng thường cao hơn. Thứ hai, nhóm máu O là nhóm máu có thể truyền thay thế được cho tất cả các nhóm máu khác. Điều này dẫn đến việc trong quá trình sử dụng máu, đặc biệt đối với các trường hợp cấp cứu, trường hợp khó định được nhóm máu, khó tìm được nhóm máu phù hợp… thì nhóm máu O sẽ được các cơ sở điều trị dùng truyền thay thế. Vì thế, tuy là nhóm máu phổ thông nhất nhưng nhóm máu O lại luôn ở trong tình trạng “cạn kho” vì tần xuất sử dụng nhiều hơn so với các nhóm máu khác”.

Theo GS Trí, việc sử dụng nhó máu O để truyền cho tất cả các nhóm máu khác là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thiếu nhóm máu này. Nếu các bệnh viện không quan tâm đến việc phải truyền đúng nhóm máu mà hay lấy máu nhóm O để truyền thay thế cho các bệnh nhân thuộc nhóm máu khác thì hiện tượng thiếu máu nhóm O sẽ trở nên rõ nét, thậm chí là hết sức trầm trọng như thời điểm này.

Trái ngược với tình trạng thiếu máu nhóm O, ở một số nhóm máu khác lại xảy ra tình trạng thừa máu dự trữ, bởi nhu cầu sử dụng ít hơn. Điển hình nhất là nhóm máu B, đôi khi là nhóm máu AB, trong khi đó tỷ lệ người nhóm máu B (khoảng 20-24% dân số), hay AB (khoảng 7 - 8%) thấp hơn nhiều so với nhóm máu O. Do đó, có những thời điểm không riêng Viện Huyết học - Truyền máu mà nhiều nơi, nhiều Trung tâm Truyền máu buộc phải từ chối tiếp nhận các nhóm máu này.

“Điều này dẫn đến nghịch lý, tổng kho vẫn còn máu nhưng máu lại không dùng được cho bệnh nhân bởi không có nhóm máu phù hợp cho bệnh nhân cần truyền. Điều này có thể dẫn đến việc bệnh nhân bị tử vong do không có máu phù hợp để truyền. Hai là, nếu thừa một nhóm máu nào đó, cứ để mãi trong kho cho đến khi hết hạn thì buộc phải hủy. Điều này là một sự lãng phí cần phải chấm dứt”, GS Trí nói.

Vì thế, sắp tới sẽ có sự thảo luận với Ban chỉ đạo vận động HMTN (BCĐ) các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc tại để đi đến thống nhất với các ban chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, vận động người hiến máu. Trong buổi tổ chức hiến máu, phải tiến hành định nhóm máu để sàng lọc và sẽ lấy nhóm máu O bằng tỷ lệ trong quần thể dân số (khoảng từ 45 - 46%/điểm hiến máu), thậm chí phải chiếm 50% tổng số máu của buổi hiến máu.

Bên cạnh đó, sẽ thuyết phục, can thiệp các cơ sở truyền máu, cơ sở sử dụng máu cần chỉ định truyền đúng nhóm máu, tránh lạm dụng nhóm máu O truyền cho tất cả các nhóm thì sẽ giảm được tình trạng “cạn kho” nhóm máu phổ thông này.

Hồng Hải