Thiếu niên ngồi xe lăn sau tiêm phòng vi rút HPV

(Dân trí) - Zara Beattie (13 tuổi, sống tại Wigton, Cumbria, Anh) từng là một cầu thủ bóng đá đầy tiềm năng nhưng sau mũi tiêm phòng HPV, cô bị đau khắp người, “đánh trống ngực” và sống phụ thuộc vào xe lăn đến nay.

Thiếu niên có tiềm năng chơi bóng đá, bóng rổ này đã bắt đầu khó thở khi học thể dục vào tháng Một năm ngoái sau khi tiêm vắc xin phòng HPV.

Lúc đầu, gia đình Zara nghĩ triệu chứng của con là bệnh hen nhưng sức khỏe của cô gái tiếp tục xấu đi ở những tuần tiếp theo.

Sau đó, cô gái được xác định là mắc hội chứng Nhịp nhanh do tư thế (PoTS) với các biểu hiện tim đập nhanh, cảm thấy chóng mặt, yếu ớt và mệt mỏi.

Bà Anthea Beattie (49 tuổi, một y tá của Trung tâm Macmillan) nhớ lại cảm giác khủng khiếp khi con gái 13 tuổi nói với mình rằng: “Mẹ ơi, con thà chết còn hơn sống thế này. Con cảm giác như con đang sống trong 1 cơ thể 80 tuổi”.

Theo mẹ Zara Beattie, cô bé 13 tuổi này đang phải sống chung với xe lăn sau khi bị phản ứng với vắc xin HPV
Theo mẹ Zara Beattie, cô bé 13 tuổi này đang phải sống chung với xe lăn sau khi bị phản ứng với vắc xin HPV

18 tháng trôi qua, Zara cảm thấy rất yếu ớt mỗi khi đứng lên và không thể đi học mà không có xe lăn. Chỉ riêng việc ăn uống cũng làm cô bé kiệt sức và cô bé chỉ rời nhà đến bệnh viện theo lịch hẹn của bác sĩ.

Các bác sĩ từ chối xác nhận phán đoán của mẹ Raza khi bà tin rằng vấn đề của con bà là do vắc xin phòng HPV bởi bà cho biết: “Có nhiều cô gái trẻ cũng đang bị tương tự và tôi tin đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

Theo thông tin đăng tải trên Dailymail, Zara được tiêm vắc xin Gardasil tại trường The Nelson Thomlinson (Wigton) vào tháng 10/2015 và hiện vẫn đang điều trị hội chứng PoTS ở bệnh viện Royal Victoria của ĐH University Newcastle, nơi bác sĩ chưa thể đưa ra nguyên nhân vì sao cô bị như vậy.

Bà Beattie giờ là thành viên của nhóm những người hoài nghi vắc xin đã kêu gọi cần có thêm những thông tin tốt hơn cho phụ huynh và có thêm nhiều nghiên cứu về vắc xin này. “Công ty dược phẩm khẳng định rằng không có bất cứ tác dụng phụ nào khi tiêm vắc xin này nhưng đó là rác rưởi”, bà Beattie nói.

Theo một tổ chức y tế tại Anh, WHO, TT Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ và Cơ quan Y tế châu Âu cũng như các chuyên gia Anh đã “xem xét kỹ lưỡng về sự an toàn của vắc xin. Họ kết luận ‘không có bằng chứng đáng tin cậy' nào về mối liên quan giữa vắc xin và căn bệnh mãn tính hiếm gặp”.

Trước đó, năm 2014, Ruby Shallom (16 tuổi) đã tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung tại trường theo chương trình thông thường của NHS. Nhưng chỉ vài tuần sau, cô gái bắt đầu đau thắt ngực, chóng mặt, nhức đầu và mệt mỏi. Các cơ trở nên yếu ớt hơn và đến tháng Năm/2016, 2 năm sau tiêm, cô gái tỉnh dậy và hoàn toàn không có cảm gì ở chân. Cô đã mất hoàn toàn cảm giác ở 2 chân và 1 tay, hầu như chỉ ở trên giường, không thể tự ăn, mặc quần áo và cũng không thể tự nâng đầu.

Các bác sĩ cũng không tìm thấy bằng chứng nào về tình trạng của cô liên quan với vắc xin. Thông tin được đăng tải trên MailOnline vào cuối tháng 12/2016.

Vắc xin phòng HPV có an toàn?

Có khoảng 3.200 trường hợp ung thư cổ tử cung tại Anh trong năm 2014 và có khoảng 9 ca chẩn đoán mới mỗi ngày, theo Viện Nghiên cứu Ung thư Anh.

Như bất kỳ vắc xin nào khác, theo Dự án Hiểu về vắc xin của ĐH Oxford, có một số phản ứng nghiêm trọng nhưng rất nhỏ sau tiêm vắc xin HPV.

Số liệu của Cơ quan Dược phẩm châu Âu công bố hồi tháng 2/2017 cho thấy có 11.867 phản ứng đối với vắc xin Gardasil được ghi nhận.

Nhiều báo cáo cho thấy có hội chứng mệt mỏi mãn tính nhưng bị liệt là rất hiếm. Những ca tử vong cũng được báo cáo.

Các tổ chức sức khỏe trên toàn thế giới, trong đó có tổ chức Y tế thế giới đã xem xét vắc xin này và khẳng định vắc xin này an toàn.

Từ năm 2008, vắc xin này đã được tiêm cho các cô bé 12 - 13 tuổi như là một phần trong chiến lược phòng ngừa ung thư cổ tử cung của Tổ chức Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) với khả năng bảo vệ người được tiêm khỏi vi rút HPV - vốn gây ra 70% các ca ung thư cổ tử cung tại Anh, giúp cứu sống hơn 400 trường hợp mỗi năm.

Nhân Hà