Thiếu đủ bề trang thiết bị chống dịch cúm A/H1N1

(Dân trí) - “Hiện miền Trung có 5 tỉnh đều có các cửa khẩu, đường biển, đường bộ, sân bay… nhưng cả khu vực chỉ có 1 máy đo thân nhiệt, còn thuốc Tamiflu cũng hầu như không có vì trước đó, thuốc hết hạn đã thu hồi” - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết.

Tuy nhiên, "dù ở nhiều địa phương, các trang thiết bị, thuốc men phòng chống dịch cúm A/H1N1 đều thiếu, nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm ngăn chặn dịch cúm, không để xảy ra". Đó là chỉ đạo, cũng như quyết tâm của ngành y tế Việt Nam được PGS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến chỉ đạo khẩn cấp công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 4/5 đồng thời ở 9 cụm trên toàn quốc.

Máy đo thân nhiệt, thuốc men… đều thiếu

Theo PGS. TS Trịnh Quân Huấn, tính đến ngày 4/5, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới đã có đã có 20 nước chính thức thông báo ghi nhận 985 trường hợp mắc, dương tính với cúm A/H1N1: Mexico 590 trường hợp mắc, trong đó 25 trường hợp tử vong; Mỹ 226 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong; Canada (85), Tây Ban Nha (40), Anh (15), Đức (8), New Zealand (4), Israel (3), Pháp (2), Elsanvador (2), Áo, Hà Lan, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hồng Kông - Trung Quốc, Hàn Quốc, Costa Rica, Ireland, Italia và Colombia đều có 1 trường hợp mắc.
 
Thiếu đủ bề trang thiết bị chống dịch cúm A/H1N1 - 1
Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn điều hành Hội nghị giao ban trực tuyến (Ảnh: H.Hải)
 
Đặc biệt tại Canađa, cúm A/H1N1 đã lây từ người sang lợn. Theo ông Huấn, đây là vấn đề đặc biệt nguy hiểm bởi chưa xác định được độc lực virus thay đổi theo chiều hướng nào. Vì trong quá trình tái tổ hợp, virus này sẽ gắn những mảng gen có độc lực cao để phù hợp với vật chủ mà nó ký sinh.
 
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư, hiện chưa xác định được mức độ lây truyền cũng như mức độ nguy hiểm của virus cúm A/H1N1. Tuy nhiên, mức độ tử vong được xác định là từ 0-4%, phụ thuộc nhiều vào chẩn đoán và điều trị sớm, chăm sóc y tế tốt. Tỷ lệ tử vong này cũng tương đương với tỷ lệ tử vong của cúm theo mùa.

Ông Huấn nhận định, dịch cúm A/H1N1 là vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Thế giới vừa phải dập dịch, vừa chống dịch và ngăn chặn dịch không để lây lan. Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay đó.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành tại Hội nghị Giao ban trực tuyến, thì trang thiết bị cũng như thuốc men cho phòng chống dịch còn rất thiếu thốn. Như tại các tỉnh Tây Nguyên, không tỉnh nào còn thuốc Tamiflu do thuốc đã hết hạn sử dụng và đã giao lại cho Bộ Y tế. Tại tỉnh Khánh Hoà, theo Giám đốc Sở, hiện tỉnh này chỉ còn 70 viên Tamiflu.

Còn về máy thở, máy phát hiện thân nhiệt cũng rất thiếu. Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: Hiện miền Trung có 5 tỉnh đều có các cửa khẩu, đường biển, đường bộ, sân bay… nhưng cả khu vực chỉ có một máy đo thân nhiệt, còn thuốc Tamiflu cũng hầu như không có vì trước đó, thuốc hết hạn đã thu hồi.

Ngoài ra, các tỉnh Cần Thơ, Nghệ An đều đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm cho máy thở, cấp thêm khẩu trang và thuốc Tamiflu.

Về vấn đề thiếu thuốc Tamiflu, TS Lý NGọc Kính, Cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, trước mắt, Bộ Y tế sẽ cấp cho mỗi tỉnh 5.000 viên tamiflu. Đồng thời sẽ tiến hành tập huấn về phác đồ điều trị, sử dụng máy thở cho các bệnh viện ở các tỉnh thành.

Cần thành lập các Ban chỉ đạo liên vùng

BS Nguyễn Văn Châu, GĐ Sở Y tế TPHCM kiến nghị về việc tăng cường giám sát cộng đồng và thành lập các Ban chỉ đạo liên vùng để hoạt động hiệu quả hơn trong phòng chống dịch cúm A/H1N1. Vì theo ông Châu, rất dễ bỏ sót bệnh nhân nếu chỉ qua máy đo thân nhiệt tại sân bay. Do thời gian ủ bệnh kéo dài, nhiều khi, thời điểm bệnh nhân được đo thân nhiệt lại chưa biểu hiện triệu chứng.

"Vì thế, việc giám sát dịch tại cộng đồng là rất quan trọng. Đặc biệt, các địa phương cũng cần thành lập Ban chỉ đạo liên vùng. Mục tiêu nhằm nhanh chóng tiếp cận xử lý thông tin bệnh dịch, phối hợp trong việc hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế và cả chuyên môn trong trường hợp cần thiết. Việc xây dựng phần mềm kiểm dịch cũng rất quan trọng. Khi kiểm soát các hành khách nhập cảnh đều phải ghi rõ tên tuổi địa chỉ, số hiệu chuyến bay, thông tin liên lạc... để nếu trong tình huống khi nhập cảnh vào Việt Nam mới có dấu hiệu cúm, thì sẽ biết hành khách đó đi trên chuyến bay nào, từng tiếp xúc với bao nhiêu người... để có biện pháp phòng dịch kịp thời", ông Châu nói.

Ngoài việc phòng dịch cho cộng đồng, TS Lý Ngọc Kính nhấn mạnh, việc phòng bệnh cho cán bộ y tế cũng quan trọng không kém. "Kinh nghiệm từ dịch SARS cho thấy cán bộ y tế là những người dễ bị lây bệnh đầu tiên khi có dịch xảy ra. Mà khi cán bộ y tế nhiễm bệnh thì hệ thống y tế sẽ tê liệt", TS Kính nói.

Vì thế, ông đề nghị tất cả các nhân viên y tế khu vực khám, tiếp đón người bệnh có triệu chứng hô hấp vào các khoa phòng có liên quan (Khoa hô hấp, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu...) đều phải nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh, điều kiện, kinh nghiệm cũng như về trang thiết bị, con người, Việt Nam hoàn toàn có khả năng chống dịch này, không để lây truyền vào Việt Nam. Ở một số địa phương vẫn còn thiếu thốn về thuốc men, trang thiết bị thì cần báo cáo ngay những khó khăn để UBNB kịp thời hỗ trợ các trang thiết bị, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ về kỹ thuật. Ngoài ra, yêu cầu hệ thống Y tế dự phòng thực hiện trực dịch 24/24h, tập trung tăng cường kiểm tra công tác kiểm dịch quốc tế, đường không, đường bộ, đường thủy. Ấp dụng biện pháp khai báo bắt buộc về y tế đối với hành khách nhập cảnh, giám sát đến từng người về từng vùng có dịch trong vòng 7 ngày. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng chống dịch báo cáo Chủ tịch UBND và gửi về Bộ trong đầu tháng 5/2009. Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để bổ sung ngân sách, trang thiết bị.

Hồng Hải