Thêm bệnh vì giá thuốc tăng cao

Trong vai một người đi mua thuốc, bước chân vào bất cứ một quầy thuốc nào có bệnh nhân hoặc thân nhân của người bệnh mãn tính, bệnh nan y, tôi cũng đều nghe những câu than: “Sao mà thuốc lên giá nhiều thế?”, “Mới trước tết lên giá, giờ lại lên nữa hả?”…

Thêm bệnh vì giá thuốc tăng cao  - 1


Chóng mặt

 

Sáng 22/2, một bệnh nhân bị ung thư gan, mua một vỉ thuốc Nexavar từ một nhà thuốc đối diện bệnh viện Ung Bướu cho biết: “Mới trước tết bà chỉ mua có 470.000 đồng/viên, nay nhà thuốc bảo giá lên theo đô la nên phải trả 480.000đồng/viên, nhưng phải đặt cọc mới có thuốc và phải nguyên vỉ 28 viên chứ không bán lẻ. Như vậy, cả vỉ thuốc tôi phải trả thêm 280.000 đồng so với hồi đầu năm.

 

Mang tên thuốc Nexavar đến hỏi mua ở một quầy thuốc đối diện cổng bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi nhận được báo giá 485.000 đồng/hộp.

 

Thuốc điều trị đau khớp Viatril.S. tháng 10 năm 2010 có giá 400.000 đồng/hộp, đến tháng 12 tăng lên 450.000 đồng/hộp, đến nay đã tăng 452.000 đồng/hộp. Còn loại thuốc bổ máu Tot’hema của công ty Innotech, đầu tháng 11/2010 có giá từ 84.500 đồng/hộp/20 ống thì nay đã lên 109.000 đồng/hộp.

 

Bà Nguyễn Thị Như Châu, một nhân viên bán thuốc tại phường 5, quận Bình Thạnh, nói từ sau tết đến nay hầu hết các loại thuốc tây đều tăng giá, có loại thuốc nội tăng đến 100%. Đa số thuốc kháng sinh nhập khẩu, thuốc đặc trị đều tăng 10%, thuốc Furosemids và thuốc Nifedipin tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/hộp, Panadol tăng từ 300 lên 500 đồng/viên…Công ty Stada có 10 mặt hàng tăng giá, cao nhất là 10% và thấp nhất 4%. 

 

Lo thuốc đấu thầu trong bệnh viện 

 

Ông Huỳnh Tấn Nam, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty Pymepharco, cho biết: Hiện công ty này đang lúng túng trong việc xử lý giá thuốc và các hợp đồng đấu thầu thuốc trong các bệnh viện. Cuối năm 2010, bộ Y tế điều chỉnh nhiều mặt hàng thuốc xong và quy định trong quý 1/2011, các công ty dược đều không được điều chỉnh giá nữa. Tuy nhiên, USD khan hiếm, không thể mua theo giá nhà nước quy định, công ty phải trả thêm cho mỗi USD tới 400 đồng (22.400 đồng/USD), phải đăng ký trước một tuần mới có.

 

Việc giá thuốc tăng làm ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là những thuốc đặc trị dành cho những người bị bệnh nan y, mãn tính. BS. Nguyễn Trường Sơn, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng: nhà nước kêu bình ổn giá thuốc nhưng thực tế giá thuốc liên tục tăng theo giá đô la và điện, xăng dầu. Vì vậy, nhà nước cũng cần quyết định hợp lý sao cho các bệnh viện không thiếu thuốc nhưng giá không cao quá so với giá trị thật. Các cơ sở y tế cũng cần tham khảo giá thầu sao cho phù hợp để đỡ gánh cho người bệnh. Các công ty kinh doanh, sản xuất dược cũng tránh tình trạng lợi dụng cơ hội này để làm giá.

 

Sắp đến thời điểm các công công ty dược phải cấp thuốc cho bệnh viện, giá thuốc lên nhưng công ty không thể không cung cấp thuốc. Nếu doanh nghiệp hủy hợp đồng, chịu phạt hợp đồng chứ không cung cấp thuốc sẽ ảnh hưởng đến uy tín cho những đợt thầu sau đó với bệnh viện.

 

BS Sơn cũng đề xuất, các loại thuốc trong danh mục của bảo hiểm Y tế (BHYT), cơ quan BHYT cũng nên có trách nhiệm tham gia vào quá trình đấu thầu cùng với cơ sở y tế để nắm bắt tình hình, kiểm soát giá đấu thầu, bảo đảm quyền lợi cho người dân và quyền lợi cho chính mình.

 

BS. Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu khẳng định: “Chúng tôi đã hoàn tất công tác đấu thầu, nay các công ty dược cứ cung cấp thuốc theo giá thuốc như giá đã ấn định. Còn điều chỉnh giá thuốc hay không, quyền quyết định thuộc về nhà nước”.
 
 
Khó tránh việc tăng giá
 

Tại Hà Nội, cũng lấy lý do tỷ giá ngoại tệ tăng, mặt hàng tân dược tăng giá với mức tăng 5-10%, thậm chí nhiều công ty dược thông báo thời gian tới sẽ tăng 15-20%, tăng mạnh nhất vẫn là thuốc ngoại. Tại cửa hàng thuốc Minh Đức, phố Thành Công, nhân viên cửa hàng cho biết, nhiều loại thuốc tân dược tăng mạnh, nhất là các loại siro ho. Bổ phế tăng từ 17.000 lên 19.000 đồng/lọ; Bạch Long Thủy từ 14.000 lên 17.000 đồng/lọ; thuốc ho Bảo Thanh từ 24.000 lên 28.000 đồng/lọ. Kháng sinh zinat 500 tăng từ 24.000 lên 26.000 đồng/viên. Thuốc bổ Dynamogen tăng mạnh từ 105.000 lên 155.000 đồng/hộp. Cũng theo nhân viên nhà thuốc, hiện nhiều công ty dược đã thông báo giá thuốc sẽ điều chỉnh trong thời gian tới với mức tăng 15-20% như Dược phẩm Nhất Nhất, Dược phẩm Hà Nam…

Cục quản lý giá (bộ Tài chính) cũng cho hay, về thuốc nhập khẩu: một số thuốc có giá nhập khẩu biến động, một số mặt hàng có thể tăng nhẹ phụ thuộc vào giá nhập khẩu đầu vào và giá nguyên liệu sản xuất thuốc. Tuy nhiên, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng cục Quản lý dược khẳng định, dù lý do nào thì giá thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập tiếp tục ổn định. Nếu các bệnh viện đã đấu thầu với giá cũ nay thuốc tại các công ty cung ứng tăng thì bộ Y tế sẽ phải họp bàn bạc cụ thể. Việc tăng giá thuốc phải có lộ trình phù hợp không phải thích tăng là tăng.

Lệ Hà

 

Theo Hoàng Nhung

Sài Gòn tiếp thị