Thế nào là nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP?

(Dân trí) - Có đến 38% khách hàng không mua được thuốc do không có toa của bác sĩ nhưng 1/4 trong số này đã cảm ơn vì được nhân viên nhà thuốc tư vấn, giải thích rõ ràng. Nhiều người đã trở lại sau đó với toa thuốc của bác sĩ trên tay.

Đó là kết quả khảo sát ngay trong tuần lễ đầu tiên thực hiện Thực hành Nhà thuốc tốt (GPP) của nhà thuốc V-Phano.

 

Một trong những nguyên tắc đầu tiên để các nhà thuốc có thể được công nhận GPP là chỉ bán thuốc cho khách khi có toa hợp lệ của bác sĩ khám bệnh. Ngay cả với những toa đã mua trong lần điều trị trước, toa kê các loại thuốc có biệt duợc không được phép lưu hành, hay bệnh nhân đến với hộp thuốc, vỉ thuốc cũ cũng đều bị từ chối. 

 

Ngoài nguyên tắc trên, doanh nghiệp dược hoặc nhà thuốc phải đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo văn minh, sạch đẹp như: có máy lạnh, nơi chờ đợi, nhà vệ sinh, phòng tư vấn dược, quầy bán các loại thuốc không toa (thực phẩm dinh dưỡng, thảo dược, mỹ phẩm…) và nhân viên, dược sĩ ngoài bằng cấp chuyên môn còn phải được đào tạo huấn luyện theo tiêu chuẩn phục vụ GPP.

 

Nếu như TPHCM mới triển khai chủ trương này trong năm 2007 với đơn vị được xét công nhận đầu tiên là Công ty cổ phần Dược Phano thì ở Hà Nội đã thực hiện ngay từ năm 2004 và đã có 26 doanh nghiệp đạt GPP. Tuy nhiên, với nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, việc các nhà thuốc áp dụng nguyên tắc đầu tiên của GPP là phải bán thuốc theo đơn, nhiều đơn vị đã gặp không ít khó khăn. Trước hết đó là sự cạnh tranh giá cả của các hiệu thuốc nhỏ lẻ, thói quen tự mua thuốc, tự điều trị của nhân dân, giá cả thuốc phụ thuộc vào giá cả thuê mặt bằng… Do vậy áp dụng GPP có nghĩa là chấp nhận bỏ vốn lớn vào xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư nguồn nhân lực cao, chịu đựng giảm doanh thu trong thời gian đầu, thường xuyên đối mặt với sự phản ứng của khách hàng và chấp nhận rủi ro cao.

 

PV